Vui, buồn… nghề báo

(PLVN) - Đối với tôi, nghề báo rất thiêng liêng và cao quý cũng như những người phóng viên luôn mang trên mình trọng trách to lớn. Thế nhưng phía sau ánh hào quang đó là những khó khăn, vất vả xen lẫn những câu chuyện vui, buồn… mà chỉ những ai đã từng sống hết mình với nghề mới cảm nhận được.

Xuất thân là một cử nhân luật chính hiệu nhưng tôi đến với nghề báo như một cái duyên mà không hề định trước. Vì là một ‘tay ngang’ nên tôi còn nhớ như in những ngày đầu mới bước chân vào làng báo mà cụ thể hơn là Báo Pháp Luật Việt Nam, tôi chẳng khác nào một cánh chim lạc đàn; từng băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc như thế nào cho hay, cho bén. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ dừng lại hay bỏ cuộc vì đối với tôi, Báo Pháp Luật Việt Nam là gia đình thứ hai và những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi ‘xốc’ lại tinh thần để tiếp tục theo đuổi đam mê. Mỗi lần “gặp khó” tôi đều nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của Thủ trưởng về cách triển khai bài thế nào, viết làm sao cho tốt... tất cả đã giúp tôi tự tin hơn với nghề và tôi thầm cảm ơn vì điều đó!

Công việc của phóng viên nhiều khi không kể thời gian, có những lúc mọi người đã yên giấc mộng thì cánh phóng viên chúng tôi đang bận rộn xử lý hồ sơ bạn đọc hay phải việc tin, bài để kịp thời truyền tải thông tin.

Song, mặc dù đến với nghề chưa lâu nhưng tôi cảm nhận được nghề báo rất thiêng liêng và cao quý, bởi thông qua những thông điệp trong từng bài viết thì chính những người làm phóng viên, nhà báo đang từng ngày tạo ra giá trị đích thực cho xã hội. Dẫu biết rằng phía trước là một chặng đường dài nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, từ đó tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ cho bạn đọc. Cũng vì thế mà khiến tôi yêu nghề báo hơn, bởi làm nghề này tuy khó mà vui, vui vì niềm vui chung của xã hội vì sau những khó khăn trong quá trình tác nghiệp thì chúng tôi là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại; hay thông qua những bài viết của chúng tôi có thể chạm đến lòng trắc ẩn của những mạnh thường quân, qua đó kết nối họ đến với những mảnh đời bất hạnh.

Tôi còn nhớ trong một lần đi tác nghiệp viết bài cho chương trình ‘Gương sáng pháp luật’, hình ảnh một cụ già nước mắt vỡ oà và cười trong hạnh phúc khi được một mạnh thường quân đến hỗ trợ tiền chữa bệnh; hình ảnh đó khiến tôi vừa vui vừa chạnh lòng. Nghề báo làm tôi ‘say’ cái cảm giác được xách ba lô lên và đi vì những chuyến đi tác nghiệp là sự trải nghiệm, qua đó giúp tôi có thể “hiểu mình, hiểu đời” và biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với mảnh đời bất hạnh.

Phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đóng góp ý kiến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tại buổi họp báo công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022.

Tôi nghĩ, có lẽ nghề báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác, vì phóng viên phải chịu áp lực từ nhiều phía, thế nhưng xen lẫn trong đó là những câu chuyện vui, buồn… khiến tôi không thể nào quên. Công việc của phóng viên nhiều khi không kể thời gian, có những lúc mọi người đã yên giấc mộng thì cánh phóng viên chúng tôi đang bận rộn xử lý hồ sơ bạn đọc hay phải việc tin, bài để kịp thời truyền tải thông tin. Vì lý do công việc, nhiều khi chúng tôi trở về nhà lúc đêm đã khuya, thân xác đã mệt mỏi rã rời, ăn uống qua loa rồi lại vùi đầu vào bài viết, mải mê với tài liệu, với trăn trở suy tư... bởi công việc ngày mai vẫn còn bề bộn. Cũng đúng thôi, nghề này không chỉ đòi hỏi sự hy sinh của người làm báo mà người thân của chúng tôi cũng phải biết hy sinh, chia sẻ và cảm thông. Đối với tôi thì những kỷ niệm của nghề nhiều đến mức kể sao cho hết được, nhưng tôi luôn khâm phục những hy sinh thầm lặng của các anh chị em đồng nghiệp; tôi thấy có gì đó “xót xa” khi nghĩ về những “rạn nứt” trong tình cảm gia đình của các đồng nghiệp vì công việc nhiều nên chúng tôi ít có thời gian quan tâm và chăm sóc cho người thân của mình.

Có lần cùng các anh em đồng nghiệp trong "làng báo" đi đưa tin ở Lễ hội Bánh dân gian được tổ chức ở TP Cần Thơ, tôi vô tình nghe được câu chuyện của một anh đồng nghiệp, lúc đó người vợ anh gọi đến hỏi khi nào anh về và anh chỉ nghẹn ngào nói, “anh có việc đột xuất phải đi công tác, em và con chủ động cơm nước nhé, hôm nào xong việc anh về”, câu nói đó làm tôi chạnh lòng. Còn riêng tôi thì có nhiều người bạn bảo rằng, “còn nhiều nghề khác làm sướng hơn sao mày lại chọn cái nghề vất vả này?”, nhiều khi chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại yêu nghề này đến như vậy? Tôi thích những cuộc hành trình mà bất cứ phóng viên nào cũng phải trải qua..., đi và viết!

Nghề báo là sự vinh quang nhưng kèm theo đó là những giọt nước mắt, thế nhưng khi đã chọn nghề này thì những người làm báo như chúng tôi luôn tự hào và đều lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Trải qua 97 năm kể từ khi vị Cha già Dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xuất bản số báo Thanh Niên đầu tiên và cũng nhân ngày 21/6, không chỉ riêng tôi mà tất cả anh chị em đã và đang làm nghề báo luôn coi đó là niềm vinh dự, tự hào; chúng tôi đều mong rằng, mỗi tác phẩm mà chúng tôi tạo ra sẽ góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

Đọc thêm