Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp nhận 5 cá thể mèo rừng quý hiếm từ Điện Biên

(PLVN) - Đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 5 con mèo rừng từ Công an thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) để đưa về chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.

Ngay khi nhận được thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Điện Biên Phủ về việc vừa tịch thu 5 con mèo rừng do một người dân trên địa bàn nuôi nhốt trái phép, Đoàn công tác của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã lập tức lên đường tiếp nhận số động vật trên.

Cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận mèo rừng từ cơ quan chức năng thành phố Điện Biên Phủ.

Đến tối 7/5, Đoàn công tác đã đưa toàn bộ 5 con mèo rừng về đến Vườn để chăm sóc. Qua thăm khám ban đầu, tình trạng của 5 cá thể mèo rừng đều ổn định. Hiện các cá thể mèo đang được tập trung tại khu cách ly để theo dõi sức khỏe theo quy trình khoa học trong ít nhất một tháng và sẽ được tái thả sau khi phục hồi, ổn định tập tính.

Đại diện Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) thông tin, 5 cá thể mèo rừng gồm 1 mèo đực trưởng thành nặng 4,3kg, 1 mèo cái trưởng thành nặng 3,1kg và 3 con mèo con 27 ngày tuổi, mỗi con nặng khoảng 0,3kg (2 đực, 1 cái).

Trước đó, số mèo rừng này được nuôi nhốt tại một hộ dân trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ từ tháng 3/2021 với số lượng 2 con ban đầu. Hai con mèo rừng này được ghép đôi và đẻ 3 con, hiện được gần 30 ngày tuổi. Quá trình nuôi nhốt, chủ hộ cho mèo rừng ăn thịt bò sống kết hợp với men tiêu hóa, thịt gà, thịt lợn luộc chín.

5 cá thể mèo gồm 1 mèo đực, 1 mèo cái và 3 mèo con.

Đây là một trong những vụ việc giải tiếp nhận mèo rừng lớn nhất từ trước tới nay do các đơn vị trực thuộc Vườn thực hiện. Với việc đưa số mèo rừng này về chăm sóc tại Vườn Quốc gia sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen quý của loài mèo rừng khi chúng được xếp vào loài nguy cấp, quý hiếm (danh mục IIB) theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) là động vật nguy cấp quý hiếm, xếp trong nhóm IIB, Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đọc thêm