Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp nhận 3 cá thể hồng hoàng

(PLVN) -  Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) vừa cứu hộ, chăm sóc 3 cá thể chim hồng hoàng để tái thả về tự nhiên. Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện 3 cá thể này bị nuôi nhốt trong dân cư, nên vận động giao nộp cho Trung tâm.

Hồng hoàng còn có tên gọi phượng hoàng đất, sống trong các khu rừng rậm lớn, có tuổi thọ tới 50 năm trong điều kiện sống tốt. Cá thể trưởng thành dài 0,95 – 1,2m; sải cánh rộng tới 1,52m, cân nặng tới 4kg. Loài chim này có chiếc “mũ mỏ” màu đen và vàng tươi chiếm đến 11% trọng lượng cơ thể chim, kéo dài từ phần phía trên mỏ cho đến xương sọ.

Một cá thể hồng hoàng trống đang được chăm sóc, cứu hộ tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Ông Trần Ngọc Anh, PGĐ Trung tâm cho biết, giới nghiên cứu chưa xác định được mục đích khối mũ mỏ đồ sộ ấy để làm gì. Hồng hoàng mái nhỏ hơn con trống và tròng mắt màu xanh lam chứ không phải sắc đỏ sặc sỡ. Hồng hoàng trống thường dành nhiều thời gian trong ngày chăm chút rỉa lông bôi chất nhờn vào lông cánh sơ cấp và mỏ làm màu vàng càng tươi hơn theo tuổi thọ.

Theo ông Anh, hiện tình trạng săn bắn, buôn bán trái phép mỏ và sừng hồng hoàng vẫn diễn ra vì giá trị trên thị trường “chợ đen” cao hơn cả ngà voi. Do mất đi môi trường sống cũng như bị săn lùng nên hồng hoàng được đánh giá là cận nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đây cũng là loài chim được liệt kê trong Phụ lục I của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Theo ông Anh, dù ghi nhận sự có mặt tại nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa có một cuộc điều tra, khảo sát nào thực sự đầy đủ về số lượng hồng hoàng. Trong những khu rừng nguyên sinh Phong Nha – Kẻ Bàng, lực lượng kiểm lâm và những người làm công tác bảo tồn vẫn thường bắt gặp hồng hoàng xuất hiện. Trung tâm đang nghiên cứu đề án, xây dựng chương trình để kêu gọi bảo tồn, phát triển loài chim đặc biệt cận nguy cấp này.

Trong tự nhiên, thức ăn của chúng chủ yếu là các loại quả, hạt. Thi thoảng chúng ăn cả những loài thú nhỏ, thằn lằn, rắn và côn trùng. Những chú chim hồng hoàng từ lâu được xem là một trong những loài gieo hạt giống hiệu quả nhất rừng nhiệt đới châu Á, là “nhà nông của các khu rừng”.

Đọc thêm