Kết quả đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá
BĐBP quản lý bảo vệ 8.043,156 km đường biên giới quốc gia (4.653,556 km đất liền và 3.389,6 km biển), tiếp giáp 03 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, khu vực biên giới gồm 1.075 xã, phường, thị trấn với khoảng triệu người thuộc 42 dân tộc anh em.
Địa hình đồi núi, sông suối phức tạp, hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch qua lại hai bên biên giới, đời sống nhân dân ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn là những yếu tố khách quan có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, lực lượng BĐBP đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép: “Phòng chống dịch Covid-19 và quản lý bảo vệ biên giới quốc gia” và đạt hiệu quả cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý số lượng lớn thuốc lá nhập lậu: Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/10/2020, các đơn vị BĐBP đã độc lập và phối hợp bắt giữ 1.037 vụ/246 đối tượng/thu giữ 1.33.293 bao thuốc lá; 41,682 tấn lá thuốc lá.
Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp ở khu vực biên giới, trọng điểm ở các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Thuốc lá ngoại nhập lậu đa dạng về chủng loại và có nguồn gốc xuất xứ từ một số nước như Anh, Singapore, Trung Quốc, Campuchia và Indonesia.
Thủ đoạn chủ yếu của các chủ đầu nậu là thành lập đường dây, tổ chức buôn lậu xuyên biên giới, luôn tìm sự sơ hở của lực lượng chức năng để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá qua biên giới như:
Tập kết hàng sát biên giới, thuê “cửu vạn” cư dân biên giới, chờ thời cơ vận chuyển trái phép qua biên giới vào nội địa cất giấu tiêu thụ.
Quá trình vận chuyển, các đối tượng chia thành từng toán, nhóm (có toán đi hàng trăm đối tượng) mang vác hoặc sử dụng xe máy, xuồng, ô tô vận chuyển với tốc độ lớn; chúng trang bị các công cụ, phương tiện thông tin hiện đại để giám sát, theo dõi lực lượng chức năng như sử dụng flycam, bộ đàm, bố trí người cảnh giới, dẫn đường, chống trả ở các địa điểm mà chúng vận chuyển hàng qua lại.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, lực lượng BĐBP đã gặp nhiều khó khăn như:
Địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch, sông suối, thời tiết khắc nghiệt, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chính quyền nước bạn (Lào, Campuchia) không coi thuốc lá là mặt hàng cấm và khuyến khích buôn bán, sản xuất thuốc lá ra nước ngoài để thu ngoại tệ. Do đó, các chủ đầu nậu người Việt Nam lợi dụng chính sách này để câu kết với công dân nước láng giềng xây dựng các kho hàng để tập kết thuốc lá, chờ thời cơ vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ.
Một bộ phận quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới do đời sống khó khăn, thiếu việc làm, trong khi lợi nhuận mang lại từ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới cao hơn làm ruộng, nên họ thường bỏ ruộng, nương để tham gia tiếp tay vận chuyển hoặc trực tiếp buôn lậu thuốc lá.
Pháp luật không giao thẩm quyền điều tra cho BĐBP đối với điều tra các tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong khi các hành vi vi phạm pháp luật này thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới mà BĐBP phát hiện, bắt giữ.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây, tại địa bàn biên giới TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang nổi lên tình trạng các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu, sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, các đối tượng đã tụ tập đông người, kích động quần chúng nhân dân và phần tử quá khích ở hai bên biên giới để chống người thi hành công vụ, cướp lại tang vật theo thống kê từ năm 2018 đến nay, tại khu vực biên giới các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Long An đã xảy ra 13 vụ/580 đối tượng chống người thi hành công vụ.
Trong đó, tỉnh Kiên Giang xảy ra 8 vụ/520 đối tượng, tỉnh An Giang xảy ra 5 vụ/60 đối tượng làm nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP bị thương, trong đó có 11 người bị thương nặng phải nhập viện điều trị.
Điển hình, ngày 28/4/2020, tại khu vực Mốc 314 thuộc phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên, tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang phối hợp với 40 cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Kiên Giang ngăn chặn các đối tượng vận chuyển trái phép thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam. Khi phát hiện lực lượng BĐBP và Công an, khoảng 100 đối tượng sử dụng mã tấu, dao quắm, súng bắn cồn, súng cao su, gậy nhọn và gạch đá tấn công lực lượng chức năng làm 4 cán bộ Biên phòng, 1 cán bộ Công an bị thương phải nhập viện.
Sau đó các đối tượng bỏ chạy sang Campuchia. Vụ việc này, Công an TP. Hà Tiên đã khởi tố vụ án về tội “Chống người thi hành công vụ”, sau đó chuyển Cơ quan điều tra Hình sự BĐBP thụ lý, điều tra theo thẩm quyền. Ngày 8/5/2020, Cơ quan điều tra Hình sự BĐBP đã khởi tố 4 bị can.
Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá
Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và các văn bản khác.
Quán triệt và thực hiện nghiêm các kế hoạch, công văn chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn, công điện chỉ đạo các đơn vị BĐBP các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm, tăng cường lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá qua biên giới.
Chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên toàn quốc về tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu thuốc lá do BĐBP phát hiện, bắt giữ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ; xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới.