Tết đến, xuân về là dịp để mọi nhà, mọi người sum họp, thì tại nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc lại có những người “gác đèn” luôn trực sẵn sàng để thắp sáng ngọn Hải đăng Vĩnh Thực, giúp tàu thuyền qua lại, định hướng và định vị, đồng thời thực thi các nghĩa vụ và chủ quyền của Tổ Quốc mang lại sự bình yên cho mỗi chuyến tàu ra khơi, cập cảng.
Nhắc đến Móng Cái, người ta thường nghĩ tới những điểm du lịch nổi tiếng như mũi Sa Vĩ - nơi khởi đầu của chữ S trên bản đồ Việt Nam, bãi biển Trà Cổ, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái... Nhưng rất ít người biết Móng Cái còn có một điểm đến khá hấp dẫn nữa, đó là ngọn hải đăng trên đảo Vĩnh Thực. Từ bến Mũi Ngọc, phường Bình Ngọc (Tp Móng Cái), sau 15 phút đi xuồng máy, chúng tôi liên tục được nếm vị mặn của biển do từng con sóng ập đến tạt nước biển lên xuồng.
Con đường dẫn vào ngọn Hải đăng Vĩnh Thực |
Nhưng dường như không ai thấy bị phiền phức, mà đều thấy vui, có lẽ mọi người đều hiểu và thích thú với mùi vị riêng của biển cả. Chiếc thuyền cập bến cảng Vạn Gia thuộc xã Vĩnh Thực. Trong không khí những ngày cuối năm, mọi người hối hả đi, về giữa Mũi Ngọc - Vạn Gia đông hơn thường nhật. Những chuyến hàng vật dụng, thực phẩm cho ngày Tết, cùng với những câu chuyện của hành khách về công việc làm ăn một năm qua, rộn ràng hoà lẫn với sóng biển làm cho không khí ngày xuân như ấm cúng hơn.
Từ cảng Vạn Gia, thêm một hành trình khoảng 10km, chúng tôi đặt chân đến Trạm Quản lý đèn biển Vĩnh Thực (Hải đăng Vĩnh Thực). Lúc này, cán bộ nhân viên Trạm đang tập trung làm công tác trực trạm và dọn dẹp vệ sinh “nhà đèn” để chuẩn bị đón Tết Canh Tý.
Ở nơi cách xa đất liền, lâu lâu mới gặp người lạ ra đảo, dù là người quen hay khách lạ, hễ cứ gặp nhau là thân thiết, thứ tình cảm trân quý ấy không phải nơi nào cũng có được. Câu chuyện của chúng tôi giữa những người dù lần đầu gặp nhau vì thế mà rất tự nhiên rôm rả.
Ông Vũ Văn Dụng, Trạm trưởng Trạm Quản lý đèn biển Vĩnh Thực, cho biết: Hải đăng Vĩnh Thực tọa lạc trên đỉnh núi Đầu Tán, phía bắc xã Vĩnh Thực, tọa độ 21o23'48" Vĩ độ Bắc, 107o59'30" Kinh độ Đông. Đây là ngọn đèn hải đăng quốc tế do Việt Nam xây dựng và quản lý nằm ở vị trí đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ quốc, cũng là ngọn hải đăng nằm ở vị trí đầu tiên trong tổng số 92 ngọn hải đăng trải dài ven biển, trên các đảo và quần đảo của Tổ quốc.
Hải đăng Vĩnh Thực đưa vào sử dụng từ năm 1962 và luôn tỏa sáng tạo thành một hành lang an toàn hàng hải, giúp tàu thuyền qua lại, định hướng và định vị, đồng thời thực thi các nghĩa vụ và chủ quyền của Tổ quốc, mang lại sự bình yên cho mỗi chuyến tàu ra khơi, cập cảng.Trạm hiện có 6 cán bộ, công nhân viên. Vượt qua muôn vàn khó khăn, cán bộ, nhân viên của Trạm luôn thầm lặng thắp lửa cho mắt biển hằng đêm.
Chân Trạm hải đăng Vĩnh Thực |
Với anh Nguyễn Đình Vượng (SN năm 1972, quê Mê Linh, Hà Nội) gắn bó với Hải đăng Vĩnh Thực từ năm 2004, cho biết: "Tết này là cái Tết thứ 11 tôi đón xuân trên đảo, cùng anh em làm nhiệm vụ trực trạm. Vẫn biết, Tết đến xuân về là lúc mọi người, mọi nhà sum họp, nhưng vì nhiệm vụ chung, tôi cùng với các anh em luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác vận hành, quản lý đường biển.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1989, quê thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ) bắt đầu câu chuyện, tôi ra công tác tại Trạm từ năm 2012 và đã có 2 năm ăn Tết tại đảo. Đã trở thành một công việc thường nhật, Tết cũng như ngày thường, cán bộ, công nhân viên trực trạm hằng ngày sẽ vệ sinh bảo dưỡng trang thiết bị, vận chuyển thiết bị, nhiên liệu từ nhà kho lên Trạm; quan sát hàng hải quanh khu vực Trạm, rồi 18 giờ nổ máy phát điện thắp sáng đèn biển, trực đèn đến 6 giờ sáng.
Bên ấm chè nóng ngày xuân, cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh công việc, gia đình, Tết ở đảo, Tết ở đất liền..., những câu chuyện hết sức bình dị nhưng lại trở nên rất đỗi đặc biệt nơi đây. Ngắm nhìn những người "lính biển không quân hàm" say sưa kể chuyện, tôi hiểu nếu không có lòng yêu nghề, không có tình yêu trọn vẹn với quê hương, Tổ quốc, các anh sẽ khó có thể trụ vững giữa sóng to, gió cả, hiên ngang đối mặt với biển khơi, ngày đêm thầm lặng canh giữ cho “con mắt biển” luôn sáng để cho các phương tiện hàng hải ra, vào an toàn.
Bốn mùa trong năm, dù nắng mưa hay giá lạnh thì ánh sáng của ngọn Hải đăng vẫn được thắp nên, bởi những cống hiến thầm lặng nhưng cũng rất đỗi tự hào của những người “lính gác đèn”. Chúng tôi lên tàu trở về đất liền. Tạm biệt và gửi lại tình cảm của hậu phương với những người gác đèn thân thương, nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, chúng tôi tự hào vì có các anh đang ngày đêm giữ gìn bình yên biển đảo của quê hương, góp phần mang lại mùa xuân cho đất nước.