Xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018: Sẵn sàng cho xả nước đợt 2

(PLO) - Kết thúc đợt 1 xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân, đã có 29,5% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch đã được cấp nước. Đợt xả nước thứ 2 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 28/1 đến 24h ngày 4/2. Đợt xả nước thứ 3 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 9/2 đến 24h ngày 14/2. 
Trong các đợt xả nước phục vụ gieo cấy Đông Xuân, mực nước ở các sông sẽ ở mức 2,2m, đảm bảo cho các trạm bơm bơm nước vào kênh thủy lợi

29,5% diện tích gieo cấy đã được cấp nước

Số liệu của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, tổng diện tích gieo cấy đã được cấp nước tính đến kết thúc đợt 1 xả nước là 180.190 ha, đạt 29,5% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch và cao hơn 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương diện tích có nước đạt cao là: Nam Định 71,5%, Phú Thọ 62,9%, Ninh Bình 59,7%, Hà Nam 43,7%, Hải Dương 23,73%, Thái Bình 23% và Vĩnh Phúc 20,8%.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết, theo kế hoạch trong 18 ngày của 3 đợt xả, tổng lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện xuống hạ lưu khoảng trên 5,7 tỷ m3. Để đảm bảo mục nước ở Hà Nội đạt 2,2m, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã tăng cường phát điện, bổ sung nước cho hạ du từ 0h ngày 13/1, trước thời điểm lấy nước chính thức 3 ngày.

Cũng theo ông Chính, tính trung bình toàn đợt 1 lấy nước (từ 16/1-19/1), mực nước trung bình đạt 2,1m, lớn nhất đạt 2,3m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 khoảng 1,48 tỷ m3. Các năm trước EVN xả trước 2 ngày, năm nay xả trước 3 ngày. Năm kia đợt xả thứ hai các địa phương đã lấy đủ nước theo kế hoạch EVN không phải xả thêm. Năm ngoái cũng rút ngắn thời gian xả nước 4-5 ngày so với dự kiến.

“EVN sẽ tiết kiệm tối đa lượng nước xả nhưng vẫn đảm bảo phục vụ cho gieo trồng vụ Đông Xuân. Trong đợt 2 và 3, Tổng cục Thủy lợi cần chỉ đạo các địa phương phải lấy nước tối đa từ các sông và thực hiện các biện pháp giữ nước. Với việc tưới dưỡng của các địa phương sau các đợt xả, nếu Tổng  cục Thủy lợi có yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ đảm bảo cấp đủ nước phục vụ việc tưới dưỡng này”, ông Chính cho hay.

Chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến “Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm đổ ải vụ Đông Xuân 2017-2018” do báo Nông thôn ngày nay phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 23/1, ông Nguyễn Mạnh Hùng đại diện Tổng cục Thủy lợi cho hay, năm nay dự báo tình hình nước không có nhiều thuận lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo, tổng cục cũng có văn bản gửi các địa phương trong đợt 2 và 3 sẽ phải huy động tối đa các nguồn để đưa nước lên ruộng. Với việc giữ nước trên bờ ruộng, các địa phương phải vận động và hướng dẫn người dân gia cố vùng bờ, thửa, tránh thất thoát nước. Cùng đó, rà soát lại diện tích ở các vùng cao và vùng trũng có khả năng ngập úng để từ đó có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và không phụ thuộc vào nguồn cấp nước.

“Việc lấy nước năm nay có khó khăn là đợt 2 và đợt 3 khá sát với Tết Nguyên Đán nhưng phù hợp với lịch gieo cấy. Nếu có đợt xả nước sau tết thì sẽ không phù hợp với lịch gieo cấy. Đề nghị các địa phương và bà con tranh thủ lấy nước tối đa trong các đợt xả nước, tuyệt đối không phát sinh nhu cầu lấy nước bổ sung”, ông Hùng nói.

Từ nhiều tháng qua, EVN đã lên kế hoạch đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm, công trình thủy điện trong mọi tình huống.

Ngành điện sẵn sàng cho xả nước đợt 2 và 3

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, từ nhiều tháng qua, EVN đã lên kế hoạch đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm, công trình thủy điện trong mọi tình huống. Như mọi năm, trước khi vào đợt đổ ải, EVN cũng có văn bản yêu cầu các dơn vị, các Hợp tác xã kiểm tra nguồn điện, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo chất lượng điện. Qua các đợt xả thải vừa qua chưa có Hợp tác xã hay điện lực nào báo cáo gặp sự cố về điện trong thời gian xả nước.

Theo ông Chính, trong thời gian xả nước, EVN đã có chỉ đạo các điện lực về việc đảm bảo không cắt điện trong bất cứ địa phương nào trong 20 ngày trước, trong và sau thời gian xả nước. Trường hợp mất điện chỉ xảy ra khi có sự cố. Tuy nhiên, ngành điện đã có các phương án đảm bảo cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất cho các đơn vị. Cụ thể, trong đợt 1 xả nước, EVN và các đơn vị thành viên cũng không nhận được báo cáo nào về việc mất điện. Trong thời gian xả nước, các đơn vị ngành điện trực theo ca kíp nên bất kể thời điểm nào cũng có người trực đảm bảo cấp điện trong điều kiện tốt nhất cho các địa phương.

“Theo tính toán trung bình, mỗi ngày xả của nhà máy điện là khoảng 200 triệu m3/ngày. Việc tiết kiệm nước, tiết kiệm một ngày xả đến cuối mùa khô có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN. Vào mùa khô, có thêm vài trăm triệu m3 nước sẽ giúp ngành điện tiết kiệm được chi phí rất lớn nếu so với huy động sản xuất điện từ dầu và khí”, ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN khẳng định. 

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cũng cho hay, theo thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đợt 2 lấy nước sẽ kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 28/1 đến 24h ngày 4/2. Đây là đợt lấy nước chủ yếu cho tất cả các địa phương trong khu vực năm nay. Đợt xả nước thứ 3 sẽ diễn ra từ 0h ngày 9/2 đến 24h ngày 14/2.

Đọc thêm