Ngày 2/10, tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Hậu Giang.
Người dân có thể phản ánh thông tin qua ứng dụng di động
Đây được xem là cột mốc có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của Hậu Giang trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước
Đại biểu thực hiện nghi thức công bố các hệ thống thông tin. |
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, cho biết, Trung tâm giám sát điều hành ĐTTM là “bộ não” của ĐTTM. Trung tâm sẽ giúp giám sát, điều hành tập trung các ứng dụng thông minh thông qua một nền tảng công nghệ chung. Theo ông Trung, “Trung tâm giúp giám sát cổng dịch vụ công trực tuyến. Qua đó sẽ có các số liệu, thời gian thực, tổng số hồ sơ thực. Thống kê số hồ sơ hoàn thành đúng hạn và trễ hạn. Bước tiếp theo sẽ có những thống kê chi tiết hồ sơ xử lý quá hạn, qua đó cảnh báo đến cơ quan phụ trách”.
Đồng thời trung tâm còn điều hành hệ thống giám sát, điều hành giao thông. Qua đó kết nối các camera giao thông quan sát các nút giao thông, các tuyến giao thông chính trong tỉnh. Song đó, Trung tâm giám sát các hệ thống giám sát an ninh trật tự xã hội. Tích hợp các camera của tỉnh, xử lý hình ảnh thông minh qua thuật toán, cảnh báo các đối tượng, hành vi nghi vấn, đặc biệt là kiểm soát an ninh công cộng ở các khu vực địa bàn trọng điểm.
Ký kết các bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với các Tập đoàn VNPT, Viettel, FPT, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM |
Đặc biệt, giám sát hệ thống thông tin phản ánh hiện trường bằng Hậu Giang app. Nơi đây sẽ tiếp nhận, phân loại thông tin phản ánh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua nhiều hình thức khác nhau, chuyển đến các đơn vị chuyên ngành để thực hiện xử lý, lưu trữ theo quy định. Ngoài ra, còn giám sát kết nối hệ thống báo cáo kinh tế xã hội giúp thu nhập dữ liệu kinh tế, xã hội từ các nguồn khác nhau, đưa về hệ thống cơ sở dữ liệu trung; tổng hợp các báo cáo thống kế, báo cáo biểu đồ, báo cáo phân tích chuyên sâu phục vụ việc hỗ trơ ra quyết định của tỉnh.
“Các thông tin về thành phố trên các nguồn internet như: các trang tin tức trực tuyến; báo mạng; diễn đàn, mạng xã hội về mọi mặt của thành phố cũng đều được giám sát liên tục 24/7. Qua đó đưa ra những cảnh báo kịp thời đối với những thông tin nhạy cảm, không phù hợp”, ông Trung nhấn mạnh.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký số văn bản điện tử |
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Hậu Giang, cho biết, hiện tỉnh đang vận hành các hệ thống thông tin như: Cổng dịch vụ công trực tuyến; Ứng dụng di động Hậu Giang; Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến; Hệ thống quản lý văn bản; Trục liên thông dữ liệu. Trong đó, ứng dụng di động Hậu Giang với tên gọi “Hậu Giang” đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại ứng dựng đã đưa vào sử dụng 10 tính năng thiết yếu cho người dân như: phản ánh hiện trường, đặt lịch khám bệnh.
“Tính năng phản ánh hiện trường được nhiều người trông đợi, chỉ cần cài đặt ứng dụng, phản ánh thông tin trong cuộc sống một cách đơn giản. Người dân có thể gửi hình ảnh, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng xử lý”, ông Tâm chia sẻ
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, kỳ vọng các dự án này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân. |
Đến thời điểm hiện tại đã có 3.400 lượt tải ứng dụng và nhận được 70 phản ánh hiện trường từ người dân. Trung tâm đang triển khai thêm 3 chức năng mới và cải tiến các chức năng hiện tại.
“Lợi thế lớn nhất của Hậu Giang là chưa có gì”
Ý kiến này được ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi nói về Hậu Giang. Theo đó ông Lịch lý giải: “Tỉnh đã có gì rồi thì khi phát triển rất ngại phá vỡ cấu trúc cũ nên chưa có gì lại là một lợi thế rất lớn”.
Theo ông Lịch, trước đây khi xây dựng xong hệ thống thông tin thì mới đề cập đến vấn đề an toàn thông tin. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề an toàn thông tin phải đi cùng với việc xây dựng các hệ thống thông tin. Đồng thời, theo ông Lịch, thời đại công nghệ hiện đại đang phát triển từng ngày vấn đề chuyển đổi số là cần thiết. Tuy nhiên đối với lĩnh vực này không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”.
Đại biểu tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, sản xuất, tác động sâu và toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Hậu Giang có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên.
“Để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù. Và tỉnh Hậu Giang lựa chọn chìa khóa cho sự phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, đây được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của Tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Theo ông Châu, tỉnh Hậu Giang xác định năm 2020 là năm phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, làm tiền đề cho việc thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà một cách bền vững, công bằng, bình đẳng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Hệ thống camera được kết nối và giám sát tại Trung tâm. |
“Tôi kỳ vọng các dự án này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích cho người dân trên môi trường internet; giúp cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của mọi người dân, doanh nghiệp một cách tức thời, đồng thời cho phép mọi người dân được giám sát quá trình xử lý các phản ánh, kiến nghị đó một cách công khai, minh bạch; tích hợp các thông tin kinh tế - xã hội của toàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền...”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kỳ vọng.