Xây dựng chuỗi giá trị ngành dừa sẵn sàng phục vụ xuất khẩu

(PLVN) - Để tận dụng cơ hội xuất khẩu chính ngạch trái dừa sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre đã lên phương án chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu tổ chức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng trái dừa trước khi lên đường xuất ngoại.
Bến Tre sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch trái dừa sang thị trường Trung Quốc, Mỹ. (Ảnh minh họa - Ảnh: vgp)

Được xem là thủ phủ dừa của cả nước, hiện tổng diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre có gần 80.000ha cây dừa đạt sản lượng trên 688.000 tấn trái; trong đó có khoảng 15.865ha dừa xiêm xanh uống nước, chiếm 20,53% trong tổng diện tích dừa. Sản lượng trong năm ước khoảng 145 triệu trái.

Theo ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, đối với thị trường xuất khẩu dừa tươi Việt Nam, cụ thể là dừa tươi Bến Tre, cùng với công nghệ sơ chế bảo quản hiện nay (trên 90 ngày) đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm dừa tươi của các nước trong khu vực, cụ thể như Thái Lan.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi tại Mỹ và Trung Quốc rất lớn. Trong khi dừa Việt Nam thì chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu là rất lớn.

Để chuẩn bị cho việc xuất dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ngành nông nghiệp của tỉnh Bến Tre đang hoàn thiện quy trình sản xuất dừa, nâng cao chất lượng trái dừa, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng trồng và chuẩn bị hồ sơ có liên quan theo quy định trước khi đưa trái dừa lên đường xuất khẩu sang hai thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có 5 vùng và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Bến Tre đã xây dựng diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên 23.700ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, cho sản lượng trên 230.000 tấn. Trong đó, tổng diện tích dừa hữu cơ trên 18.000ha và diện tích đạt chứng nhận 11.600ha theo tiêu chuẩn xuất đi Mỹ, Nhật và EU.

Hiện đã có 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường Mỹ, sau khi được Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông tin cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này vào đầu tháng 8/2023. Theo đó, dừa tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ không cần xây dựng mã vùng trồng, mã nhà máy đóng gói, chỉ cần kiểm dịch thực vật. Các doanh nghiệp có thể tiến hành ngay việc xuất khẩu sang Mỹ. Dừa nhập khẩu vào Mỹ chỉ diễn ra hoạt động kiểm dịch thực vật duy nhất một lần, tại các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ. Sau thông báo trên, ngay lập tức vào cuối tháng 8 Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) đã xuất đi một chuyến xe container dừa uống nước đầu tiên sang Mỹ.

Sơ chế dừa tươi đóng gói xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: vista.gov.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì cần chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng nguyên liệu, bảo đảm yêu cầu của nước nhập khẩu; các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp phải chủ động nắm thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ có liên quan theo quy định, sẵn sàng cho các cuộc kiểm tra, đánh giá của các bên đối tác. Qua triển khai, đến nay, đã có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn, cập nhật thông tin cho người trồng dừa và doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về hàng xuất khẩu chính ngạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, yêu cầu quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói… theo quy định.

Hiện tại, sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như: châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa tại địa phương cũng đang được mở rộng giữa nông dân với doanh nghiệp; giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh dừa.

Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: Trái dừa Bến Tre hiện đang nhận được tín hiệu vô cùng tốt, phía Trung Quốc đánh giá rất cao về chất lượng của trái dừa khi đi khảo sát thực địa vùng trồng và các cơ sở đóng gói. Vấn đề quan trọng nhất là liên kết chuỗi, giải pháp này thời gian qua cũng cho thấy hiệu quả rất rõ. Việc ký các Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch trái dừa sang thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ giúp cho ngành dừa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 2 thị trường này trong thời gian tới, mang lại giá trị kinh tế cao.