Giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - nhấn mạnh: Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT là một trong những “điểm sáng”, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH trong thời gian qua. Bởi đây là phương tiện đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đi vào cuộc sống, là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Năm 2020, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid - 19, một bức tranh toàn cảnh về công tác truyền thông toàn ngành BHXH đã được thể hiện hết sức sinh động. Dưới sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời của lãnh đạo Ngành; sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố, nhất là sự tham mưu của Trung tâm Truyền thông; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Việc phối hợp truyền thông với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được thực hiện một cách chủ động, tích cực với hơn 26.000 cuộc đối thoại, tọa đàm, phố biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đã nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT và thu hút được sự quan tâm của xã hội.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã chủ động nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nhờ đó, trong năm 2020, toàn ngành BHXH đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết quý I/2021, số người tham gia BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,15% so với hết năm 2020; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020.
Những tháng đầu năm 2021, công tác truyền thông tiếp tục được triển khai một cách tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông về ứng dụng VssID- BHXH số đã được cơ quan BHXH các cấp triển khai một cách đồng bộ. Tính đến ngày 25/4/2021, đã có gần 850 tin, bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm truyền thông về ứng dụng; qua đó, đã có gần 4,5 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với trên 3,72 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 14,665 % so với tổng chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch 818/KH-BHXH (đến 31/12/2021 có 25.358.667 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID).
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác truyền thông
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, ông Nguyễn Thế Mạnh - cho biết, trong thời gian tới, toàn ngành BHXH tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo niềm tin cho người dân trong việc thực thi chính sách BHXH, BHYT, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Đặc biệt, lãnh đạo BHXH các tỉnh cần chú trọng và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác truyền thông; tập trung cao độ, bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, kịp thời chỉ đạo có giải pháp, kịch bản truyền thông phù hợp để triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng tham gia tại địa phương.
Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (tăng cường các hình thức tuyên truyền tại cơ sở đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động)...
Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia. Quyết liệt triển khai, vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID. Thực hiện phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với từng đơn vị, bộ phận, cá nhân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử; đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tác phong, thái độ phục vụ của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân. Qua đó, tạo hình ảnh đẹp của công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam trước công luận.
Để phát huy hiệu quả của công tác truyền thông, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người dân. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông; quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông từ tỉnh đến huyện (về số lượng, kinh nghiệm,…) để đảm bảo các hoạt động được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.
• Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Tuyên truyền phải đảm bảo tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà” để chính sách BHXH, BHYT nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân. Đây là yếu tố cốt lõi để phát triển BHXH, BHYT một cách bền vững, góp phần đảm bảo ASXH, ổn định kinh tế - xã hội đất nước.
• Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, BHXH Việt Nam: Trong giai đoạn mới, việc phát triển và mở rộng người tham gia BHXH, BHYT nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để hoàn thành nhiệm vụ thì truyền thông đóng vai trò quan trọng. Do đó, trong năm 2021, cần tập trung rà soát, đối chiếu dữ liệu từ cơ quan thuế, kế hoạch và đầu tư với dữ liệu đang quản lý để xác định người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, từ đó tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra và yêu cầu người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật.