Xây dựng người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển vừa ký công văn thực hiện Đề án của Thành ủy về phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, Đề án phát triển văn hóa thành phố được ban hành nhằm quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhất là các mục tiêu, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cần Thơ hướng đến lối sống lành mạnh, đạo đức chuẩn mực. Với mục tiêu chung của Đề án đưa ra là “nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động và quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa của thành phố. Tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cần Thơ phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; tạo cơ sở, nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố”.

Đến năm 2030, hệ thống thư viện công cộng TP Cần Thơ sẽ nâng tổng vốn sách đạt tỷ lệ 0,6 bản sách/người dân.

Đến năm 2030, hệ thống thư viện công cộng TP Cần Thơ sẽ nâng tổng vốn sách đạt tỷ lệ 0,6 bản sách/người dân.

Đồng thời, một số mục tiêu cụ thể cũng được đặt ra đến năm 2030 như: trên 70% người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao; trên 85% hộ gia đình giữ vững và được công nhận “gia đình văn hóa” 03 năm liên tục trở lên; 85% ấp, khu vực được công nhận “ấp văn hóa”, “khu vực văn hóa” 06 năm liên tục trở lên; 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 05 năm liên tục trở lên; tổng vốn sách của hệ thống thư viện công cộng TP Cần Thơ đạt tỷ lệ 0,6 bản sách/người dân.

Nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, đưa ra những chỉ đạo thiết thực, có hiệu quả theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, sự đầu tư, phát triển văn hóa nhiều nơi chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những biểu hiện văn hóa ngoại lai, thiếu lành mạnh vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ.

Do đó, Việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa giai đoạn 2021 – 2030 là cơ sở vững chắc, nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển văn hóa của thành phố thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục định hướng xây dựng và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Đọc thêm