Xây dựng Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của Khánh Hòa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu TP Nha Trang cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn mới.
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 29/3, UBND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã tổ chức Hội thảo Phát triển TP Nha Trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp các ý kiến, giải pháp xây dựng TP Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung như: công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; những vấn đề phát triển kinh tế biển và du lịch bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xây dựng đô thị thông minh, hướng đến phát triển bền vững; phục hồi phát triển du lịch thành phố; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển và hội nhập; bảo tồn các giá trị tài nguyên biển…

Ông Hồ Văn Mừng - Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết, theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì TP Nha Trang được xác định là đô thị hạt nhân của tỉnh. Vì vậy, hội thảo là cơ hội để cấp ủy, chính quyền TP Nha Trang lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả để phát triển thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu TP Nha Trang cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn mới.

Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển TP Nha Trang theo định hướng của Nghị quyết 09 về xây dựng phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển kinh tế biển bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng cho giáo dục, y tế.

Đồng thời, có giải pháp thu hút hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng phát triển chính quyền số, nâng cao thứ hạng chỉ số cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh, nhất là trong xúc tiến và thương mại, kết nối du lịch, giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; có giải pháp về phát triển, đổi mới giáo dục, y tế, văn hóa, quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đọc thêm