“Sức bật” từ những công trình
Hạ tầng giao thông đường bộ được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Trong vòng 2 năm qua, người dân Thủy Nguyên nói riêng cũng như người dân Hải Phòng nói chung không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự thay đổi “ngoạn mục” của huyện Thủy Nguyên khi các tuyến đường quan trọng đều được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo.
Với hơn 3.182 tỷ đồng ngân sách, Hải Phòng đã đầu tư, xây dựng 04 dự án giao thông trọng điểm với tổng chiều dài các tuyến đường là 19,68km tại huyện Thủy Nguyên. Trong đó, không thể không nhắc đến Dự án đầu tư cải tạo Đường tỉnh 359, con đường dài 13,25 km đi qua 9 xã, thị trấn trên địa bàn. Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường (giai đoạn 1) được khởi công từ tháng 6/2019 và giai đoạn 2 khởi công từ tháng 11/2020. Để phục vụ dự án, huyện thu hồi 42,68 ha đất của 4 tổ chức và 2831 hộ dân của 9 xã, thị trấn. Huyện Thủy Nguyên phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2021.
Ngoài ra, dự án đầu tư cải tạo đường thị trấn Minh Đức với tổng chiều dài 2,81km, vốn đầu tư 305 tỷ đồng đang triển khai thi công đường và cầu Tràng Kênh. Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường máng nước từ chân cầu Bính nối với đường 359 tại thị trấn Núi Đèo với chiều dài 3,74km, tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng đã thi công xong đoạn từ nút giao VSIP đến hết Khu Đầm Huyện, xã Thủy Sơn (dài 960m) và đoạn từ đường 359 vào ngõ Dũi (dài 250m).
Thủy Nguyên "thay da đổi thịt" từng ngày. |
Ngoài nguồn ngân sách TP, 44 công trình, dự án từ vốn đầu tư công của huyện đã được khởi công, khánh thành trong thời gian qua. Đây là số lượng công trình, dự án nhiều nhất từ trước đến nay, làm thay đổi căn bản, rõ nét về giao thông, đô thị và vị thế của huyện. Tổng chiều dài các tuyến đường là 64,38km với tổng mức đầu tư các công trình là 722,95 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thành 33 công trình trình giao thông nằm trong Kế hoạch đầu tư công 2020 của huyện. Ngoài ra, 11 công trình giao thông trong kế hoạch đầu tư công 2021 bắt đầu được triển khai thi công từ giữa tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.
Trụ sở UBND xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên. |
Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển khẳng định các công trình nói trên đã kết nối giao thông giữa huyện Thủy Nguyên với TP Hải Phòng một cách đồng bộ, hiện đại, góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế thành vùng trọng điểm của TP đúng theo tinh thần Nghị quyết 16 của Đảng bộ TP Hải Phòng. Việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ chính là những bước đi đầu tiên trong tiến trình xây dựng Thủy Nguyên trở thành TP trước năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ
Thủy Nguyên là địa phương duy nhất được Hải Phòng thí điểm lựa chọn 2 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2020 là xã Gia Minh và xã Gia Đức.
Với tổng mức đầu tư 02 giai đoạn là 91,3 tỷ đồng, Gia Minh được đánh giá là địa phương có tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhanh nhất cả TP. Ở giai đoạn 1, xã Gia Minh đã hoàn thiện xây dựng 06 tuyến đường với tổng chiều dài là 2,752km. Tuy thời gian triển khai ngắn, song với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, đa số người dân ủng hộ, đồng thuận, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình; Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình. Đến tháng 1/2021, các công trình hoàn thành đã mang đến một diện mạo mới cho xã Gia Minh khi đường giao thông được mở rộng với đầy đủ hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh.
Một góc Gia Minh ngày nay. |
Ở giai đoạn 2, Gia Minh xây dựng 32 tuyến đường với tổng chiều dài 6,4km; tổng diện tích đất thu hồi là 31.568m2. Toàn bộ các tuyến đường này gồm đường liên thôn, đường trục thôn, đường ngõ xóm… được xây dựng với chiều rộng mặt đường từ 3,5-7m, chất lượng tiệm cận đường giao thông đô thị. Hiện nay, các nhà thầu đang đang triển khai thi công 32/32 công trình, khối lượng trung bình đạt 65%.
Chủ tịch UBND xã Gia Minh Phùng Công Tiến cho biết, để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 199 hộ gia đình trên địa bàn xã đã hiến trên 28.554 m2 đất, trong đó, đất công do UBND xã quản lý 28.080 m2, đất ở 474,0 m2. Đối với 179 hộ có tài sản, vật kiến trúc trên đất, sau khi kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường, địa phương xác định số tiền hỗ trợ là 4,8 tỷ đồng cho người dân toàn bộ các tuyến. Đến thời điểm hiện tại, 160/179 hộ dân nhận tiền hỗ trợ, đạt 89%.
Tình nguyện hiến 20m2 đất có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng, ông Vũ Nhân Hoạt (56 tuổi, thôn 4, xã Gia Minh) phấn khởi cho biết: “Để quê hương được thay “áo mới”, gia đình tôi tình nguyện hiến phần đất chạy dọc mảnh vườn trước nhà để mở rộng đường trục thôn. Đường được mở rộng cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh cây cảnh của gia đình tôi sẽ thuận lợi hơn”.
Tiến độ nhanh là vậy, tuy nhiên, chủ tịch UBND xã Gia Minh Phùng Công Tiến thẳng thắn thừa nhận địa phương đang “gặp khó” trước 3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: bình quân thu nhập, giảm nghèo và y tế. Trong đó, là 1 xã “trẻ tuổi” thành lập năm 1983, hiện bình quân thu nhập của người dân chỉ đạt khoảng 47 triệu/năm (tiêu chí là 68 triệu/năm); vẫn còn 3 hộ nghèo và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ đạt 85% (tiêu chí là trên 90%).
Các tuyến đường liên thôn, đường thôn đang được xây dựng với chất lượng tiệm cận đường giao thông đô thị. |
Để giải quyết “bài toán” trên, trước mắt, chính quyền địa phương tập trung đề nghị Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thủy Nguyên tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn để phát triển chăn nuôi, mô hình sản xuất mới đồng thời kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để tạo nguồn việc ổn định cho thanh niên trong độ tuổi lao động. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Gia Minh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong tháng 7/2021.