Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp kiểu mẫu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm qua, với định hướng phát triển theo chiều sâu, có chọn lọc, ngành công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã duy trì vai trò là trụ cột lớn nhất trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 500 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp
Toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 500 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp

Từ ngành công nghiệp nhỏ lẻ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Những năm đầu thành lập, ngành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu là các cơ sở sửa chữa tàu, thuyền nhỏ lẻ và tập trung vào công nghiệp khai thác dầu khí. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có một cơ cấu công nghiệp tương đối đầy đủ với sự có mặt của nhiều ngành công nghiệp như: năng lượng, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, phân NPK, gạch men, nhựa PVC, chế biến hải sản...

Ngành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đầu chủ yếu là các cơ sở sửa chữa tàu, thuyền nhỏ lẻNgành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đầu chủ yếu là các cơ sở sửa chữa tàu, thuyền nhỏ lẻ

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, các dự án công nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng và sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu... Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng định hướng quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh này sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh. Đồng thời, tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường”.

Đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có một cơ cấu công nghiệp tương đối đầy đủ

Đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có một cơ cấu công nghiệp tương đối đầy đủ

Theo thống kê của UBND tỉnh, trên địa bàn hiện đang có 805 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; trong đó có 23 dự án công nghiệp chất lượng cao; 77 dự án công nghiệp hỗ trợ. Một số ngành sản xuất sản phẩm đầu vào công nghiệp như thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí… được lựa chọn để trở thành ngành công nghiệp chịu lực phục vụ cho chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại; tỉnh cũng thành lập 14 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.800 ha. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, ngành công nghiệp có vai trò vững chắc, là trụ cột lớn nhất trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vốn đầu tư liên tục đổ về các khu công nghiệp

Với những nỗ lực và giải pháp, chiến lược cụ thể, ngành công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục trong nhiều năm qua đã thu hút được nguồn vốn đầu tư dồi dào, trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Bộ. Hiện, toàn tỉnh có hơn 500 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN) còn hiệu lực; trong đó có 246 dự án trong nước và 257 dự án đầu tư nước ngoài.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 44 dự án vào các KCN, với tổng số vốn trên 930 triệu USD, trong đó có 32 dự án trong nước và 12 dự án FDI. Ngoài ra, còn có 21 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư trên 252 triệu USD. Điển hình như: KCN Đất Đỏ 1 trong năm qua đã ký biên bản ghi nhớ, đặt cọc giữ đất với 11 doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước, trong đó có doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc. KCN Phú Mỹ 3 đã ký thỏa thuận, giao ước giữ chỗ trong thời hạn 1 năm với 10 khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Cảng Cái Mép có 2 nhà đầu tư ký ghi nhớ... Hiện nhiều KCN đã lấp đầy hoặc gần đây xin phép mở rộng, tăng thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu thuê đất làm nhà xưởng sản xuất của các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào các KCN.

Ông Nguyễn Anh Triết - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Hiện tại các KCN trên địa bàn đã có gần 50 nhà đầu tư tiềm năng đang theo dõi, ký ghi nhớ và giữ đất với diện tích hơn 1.000ha. Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam, từ nay tới năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở rộng thêm 8 KCN, bổ sung quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”.

Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Trong giai đoạn 2020-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng lao động hợp lý, gắn với tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Đọc thêm