Xử lý tham nhũng tại Sơn La: 8 năm kết án 28 đối tượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2018.
Trưởng bản Dửn (xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) bị khởi tố vì tội “Tham ô tài sản”.
Trưởng bản Dửn (xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) bị khởi tố vì tội “Tham ô tài sản”.

Kết quả chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ

Theo Kết luận thanh tra 1035/KL-TTCP về trách nhiệm của UBND tỉnh Sơn La trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố, giai đoạn 2010 - 2018, tổng số vụ liên quan tham nhũng ở địa phương nay được điều tra là 21 vụ, 42 đối tượng.

Số vụ đã đưa ra xét xử là 17, đối tượng bị kết án tham nhũng là 28, tài sản gây thiệt hại do tham nhũng đã phát hiện được 9.744 triệu đồng. Có 2 vụ được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ, 4 vụ phát hiện qua hoạt động thanh tra, 4 vụ phát hiện qua giải quyết khiếu tố.

Theo TTCP, thực hiện Nghị định 107/2006/NĐ-CP, trong kỳ, có 6 cán bộ bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, gồm: Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp); Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Sơ (huyện Sông Mã); Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào (xã Chiềng Sơ); Hiệu phó Trường Mầm non Anh Đào (xã Chiềng Sơ); Chủ tịch UBND và Chủ tịch HĐND xã Mường Sại (huyện Quỳnh Nhai).

“Nhìn chung, số vụ việc phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, công tác thanh tra, giải quyết khiếu tố còn hạn chế, chủ yếu mới phát hiện vụ việc, đối tượng ở cấp cơ sở, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay”, theo đánh giá của TTCP.

Còn có sai sót về kê khai, minh bạch tài sản

Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, kết quả thanh tra cho thấy, tổng số cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc kê khai trong giai đoạn đang nói là 106; trong đó Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh là 32 đơn vị; các ban của đảng, các tổ chức chính trị - xã hội là 15 đơn vị.

Các hội, đơn vị sự nghiệp, DN có vốn nhà nước là 33 đơn vị và 24 đơn vị có tổ chức bộ máy được quản lý tập trung thống nhất. Số lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập 65.952 lượt người.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị; cho thấy nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập còn hạn chế; chưa nắm rõ quy định về quy trình, thủ tục, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quá trình thực hiện còn có sai sót, khuyết điểm, chưa đúng các quy định.

Các huyện Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, TP Sơn La, Sở LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Y tế chậm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc kê khai, công khai bản kê khai; việc phê duyệt kế hoạch công khai và việc thực hiện kê khai, công khai bản kê khai còn chậm, chưa đúng, không cụ thể về cách thức tổ chức thực hiện; thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến thiếu sót.

Huyện Yên Châu, TP Sơn La, Sở Tài chính, KH&ĐT, Công Thương, VH,TT&DL… có tình trạng không lập hoặc chậm phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; hoặc xác định không đúng, đủ đối tượng kê khai…

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Sơn La chú trọng thực hiện các giải pháp công khai, minh bạch, kịp thời phát hiện xử lý hành vi tham nhũng; chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; trong đó cần quan tâm chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về công khai, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu tố, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, liên quan đất đai, chế độ chính sách di dân, tái định cư, không để diễn biến phức tạp, phát sinh điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Đọc thêm