Địa linh nhân kiệt
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, đồng thời từng là nơi đóng đô của các triều vua Đinh, Tiền Lê và Lý. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư. Từ năm 968 đến năm 1009, có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại đóng đô tại đây. Sau khi Lý Công Uẩn dời đô về thành Thăng Long (nay là Hà Nội), thì nơi này đã trở thành Cố đô. Dù các triều vua không đóng đô ở Ninh Bình nữa, nhưng họ vẫn cho tu sửa, xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc ở đây như chùa chiền, phủ, đình, lăng tẩm...
Đền thờ vua Lê Đại Hành |
Cố đô Hoa Lư trở thành quần thể kiến trúc, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng, cần được hết sức gìn giữ của Việt Nam, và cũng là nơi được tổ chức UNESSCO công nhận là một trong bốn vùng lõi thuộc quần thể di sản Thế giới Tràng An.
Toàn bộ khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, bao gồm vùng bảo vệ đặc biệt, vùng đệm và các di tích như động Thiên Tôn, chùa Bái Đính, đều nằm trong hệ thống núi đá vôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trực thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, giáp ranh giới hai huyện Gia Viễn và Hoa Lư.
Nơi đây là một quần thể kiến trúc, và mỗi kiến trúc lại mang một nét riêng, tất cả làm nên vẻ cổ kính và hào hùng của di tích lịch sử thời xưa. Các dấu tích lịch sử vẫn còn lưu lại tại quần thể di tích rất đa dạng và phong phú, gồm các kiến trúc tường thành, hoàng thành, hang động, đền chùa, lăng mộ và nhiều loại công trình kiến trúc khác có giá trị lịch sử và văn hóa cao.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng |
Vùng bảo vệ đặc biệt bao gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, có các di tích như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh và lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, bia Câu Dền, chùa Cổ Am, phủ Chợ, hang Bim, chùa Duyên Ninh, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và tường thành, nền cung điện dưới lòng đất...
Vùng đệm gồm khu vực cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể di tích Tràng An, bao gồm chùa và động Am Tiên, đình Yên Trạch, hang Muối, hang Quàn, hang Sinh Dược, hang Luồn, hang Địa Linh, hang Ba Giọt, hang Nấu Rượu, chùa Bà Ngô, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, động Liên Hoa, hang Bói,...
Các di tích liên quan mặc dù không nằm trên hai vùng trên, nhưng chúng có vai trò quan trọng trong thời kỳ nhà Đinh, bao gồm chùa Bái Đính, cổng Nam, cổng Động, động Hoa Lư, động Thiên Tôn, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và các di tích thờ vua Đinh ở tỉnh Ninh Bình.
Giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá
Hàng năm Cố đô Hoa Lư tổ chức rất nhiều lễ hội, với mục đính chính là tưởng niệm các vị vua đã có công xây dựng và gìn giữ đất nước, tiêu biểu là vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Trong các lễ hội được tổ chức ở đây thì Lễ hội Trường Yên, hay còn gọi là lễ hội cờ lau là lễ hội lớn nhất, có quy mô rộng lớn và sắp nâng tầm lên thành lễ hội quốc gia. Lễ hội Trường Yên mở ra để tưởng nhớ vị vua Đinh Tiên Hoàng, người từ nhỏ đã “dùng cờ lau phất giặc”, sau đó xây dựng nên kinh đô Hoa Lư lúc bấy giờ.
Ngoài lễ hội Trường Yên, còn có các lễ hội khác diễn ra ở Cố đô Hoa Lư như lễ hội đền Trần, lễ hội đền thờ Đinh Bộ Lĩnh, lễ hội chùa Nhất Trụ, lễ hội động Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội chùa Kim Ngân, lễ hội động Thiên Tôn và lễ hội chùa Duyên Ninh.
Những năm qua, Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình nói chung.
Chị Phạm Thị ánh Tuyết, thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, chị rất tự hào khi được giới thiệu về Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Với nhiệm vụ được giao là thuyết minh viên, 5 năm qua, mỗi lần gặp gỡ một đoàn khách là một lần chị tự hào giới thiệu về Khu di tích đến với du khách. Chị Tuyết cũng luôn ý thức nghề nghiệp để từng đối tượng, với mỗi độ tuổi, trình độ khác nhau, có sự giới thiệu phù hợp, tạo sự hứng thú, say mê tìm hiểu cho du khách.
“Trong các cuộc giới thiệu, tôi luôn cố gắng thể hiện một cách đầy đủ, cô đọng và rõ ràng nhất những giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt; trong đó nhấn mạnh đến lịch sử của triều đại nhà Đinh - Tiền Lê; những di chỉ khảo cổ học vô cùng quý giá; những giá trị riêng biệt của thời Nhà nước Đại Cồ Việt, thời Đinh – Tiền Lê mà chỉ riêng Cố đô Hoa Lư mới có”, chị Tuyết tự hào chia sẻ.
Tính đến hết tháng 8/2019, Khu di tích Cố đô Hoa Lư đón 234.757 lượt khách (trong đó khách quốc tế 121.541 lượt, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2018) đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Khu di tích Cố đô Hoa Lư đang tập trung vào việc xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút du khách đến tham quan trong mùa du lịch quý IV năm 2019.