Ý thức dừng đèn đỏ, đi đúng làn đường
Sau 120 năm hình thành và phát triển, tỉnh Trà Vinh đã tạo nhiều dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Qua đó, đã phần nào hình thành và tạo nên những tính cách riêng của người Trà Vinh trên đặc trưng tính cách người Nam Bộ. Từ thực tế cuộc sống ngày nay, cùng đời sống sinh hoạt xa xưa thể hiện qua các nguồn tư liệu lịch sử, văn hóa, văn chương…tỉnh Trà Vinh mong muốn đúc kết và tìm ra được những đặc điểm chung nhất của tính cách người Trà Vinh để thể hiện nét riêng độc đáo của địa phương.
Mới đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Trà Vinh đã tham dự hội thảo đề tài “Từ những đặc trưng tính cách người Nam Bộ, suy nghĩ về đặc trưng tính cách người Trà Vinh”.
PGS. TS Trần Thị An (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Tây Nam Bộ là vùng đất trẻ nên việc hình thành phong tục cũng rất linh hoạt, dễ dàng chấp nhận cái mới. Thiên nhiên ưu đãi đã làm nên những con người phóng khoáng, cởi mở, năng động, bao dung.
Riêng với Trà Vinh do có sự cộng cư ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa nên có sự khác biệt và đa dạng trong văn hóa bản địa. Trà Vinh có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer nên bức tranh văn hóa Trà Vinh mang đậm nét văn hóa Khmer với những giá trị văn hóa đặc sắc về ẩm thực, trang phục, ứng xử.
Bên cạnh đó, còn có sự giao thoa văn hóa, tác động qua lại giữa người Kinh với người Khmer và ngược lại, người Khmer với người Hoa và ngược lại, người Kinh với người Hoa và ngược lại. Các mối quan hệ trên đã tạo nên con người Trà Vinh những nét riêng biệt…
“Ngoài ra, việc có đông tín đồ Phật giáo đã tạo nên không khí và tinh thần Phật giáo trong ứng xử khiến cho sự hòa hợp với các tôn giáo khác được dễ dàng hơn, tạo nên một môi sinh văn hóa mà ở đó, con người thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo. Có thể vì thế, người Trà Vinh sống ôn hòa, trọng giá trị gia đình, ít bon chen, tranh giành”, PGS. TS An nhấn mạnh
Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTT&DL Trà Vinh, dù mang các tính cách văn hóa chung của người Việt ở Nam Bộ; nhưng trải qua quá trình sinh sống và nền văn hóa chịu ảnh hưởng bởi tính sông nước, tính bao dung, tính trọng nghĩa, tính thiết thực; đã góp phần hình thành nên một số đặc điểm nổi bật trong tính cách người Trà Vinh. Đó là tính cách hiên ngang, bất khuất, với những tấm gương tiêu biểu như Nguyễn Thị Út (anh hùng Út Tịch), Kiên Thị Nhẫn, Hồ Thị Nhâm, Phạm Thái Bường, Hồ Đức Thắng…
Đồng thời, con người Trà Vinh mang khí chất của người đi mở mang bờ cõi; đậm tính đạo lý, nghĩa tình; năng động, sáng tạo; thiện lành, thượng tôn pháp luật. “Thế giới trầm trồ vì những hình ảnh tôn trọng kỉ luật, pháp luật, ý thức giao thông của người Nhật, nhưng ít ai biết rằng ngay tại Việt Nam cũng có một nơi mà ý thức dừng đèn đỏ và đi đúng làn đường của người dân cũng tốt như thế. Đó chính là những con người Trà Vinh. Người Trà Vinh dừng đèn đỏ ở bất cứ thời gian nào nó hoạt động, ngay cả khi bên kia đường không có một ai, chỉ cần đèn đỏ là dừng. Có người nói vui rằng: “Thấy người vượt đèn đỏ ở Trà Vinh là tôi biết ngay người đó mới ở Sài Gòn về”. Điều đó cho thấy ý thức thượng tôn pháp luật của người Trà Vinh thật đáng trân trọng, một điều vô cùng đáng quý trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay”, ông Sum dẫn giải.
Đoạn đường phía trước chợ Trà Vinh |
Những góp ý xác đáng
Bà Thạch Thị Dân, Hiệu phó Đại học Trà Vinh cũng cho rằng tính cách người Trà Vinh thể hiện rõ qua những nhân vật lịch sử tiêu biểu người Trà Vinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: Dương Quang Đông (nòng cốt của Nông hội Đỏ 1920, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh), Maha Sơn Thông (nhân vật cách mạng của phong trào đoàn kết chống thực dân đế quốc của đồng bào Kinh - Khmer - Hoa ở Trà Vinh)… Các nhân vật đó đã thể hiện sự hiên ngang, khí phách, yêu nước trong tính cách người Trà Vinh, bên cạnh sự hào phóng, năng động, sáng tạo là những tính cách nằm trong mẫu số chung của tính cách người Nam Bộ.
Nhìn dưới góc độ văn học, TS. Nguyễn Thị Kiều Tiên (Đại học Trà Vinh) cho biết, trong văn học cũng thể hiện rất đậm nét tính cách của người Trà Vinh. Theo thời gian dần hiện lên vừa hòa điệu vừa khu biệt, vừa thân quen vừa cá tính, góp thêm một chân dung đẹp vào bản sắc văn hóa Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung: “Hình tượng chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, Nguyễn Đáng trong tiểu thuyết “Chân dung người đồng bằng” của Lê Tân,… đã trở thành biểu tượng cho sức chiến đấu, sự hi sinh của người dân Trà Vinh anh dũng. Bên cạnh đó, trong văn học, người Trà Vinh luôn trong tư thế đĩnh đạc, kiên cường, vững tin vào chân lí, vào sự thắng lợi cuối cùng của sức mạnh dân tộc trước bọn xâm lăng”.
Để phát huy vai trò của các đặc trưng tính cách đó, ThS.Nguyễn Văn Đức (Trường Đại học Văn Lang) cho rằng cần phát huy tính năng động, sáng tạo của người Trà Vinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời, làm mới tính thiết thực trong thời đại 4.0. “Tính thiết thực là một phẩm chất làm nên cốt cách người Nam Bộ nói chung, người Trà Vinh nói riêng. Thế nhưng, nó lại dễ dẫn đến tâm lí sống tạm bợ, dễ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nghiêm trọng hơn là giảm ý chí vươn lên, trong đó có ý chí vươn lên bằng tri thức: Học hành vươn lên vừa phải, đủ dùng thì thôi, ít người ham học cao. Để khắc phục điểm này, biện pháp cơ bản trước mắt và lâu dài là đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Như vậy mới có thể hội nhập và bắt kịp được sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”, ông Đức nói.