Yên Bái định hướng phát triển cây quế bền vững

(PLVN) - Là tỉnh có diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước, Yên Bái đang định hướng phát triển quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực đem lại nguồn thu ổn định, phát triển kinh tế địa phương.
Hội thảo được tổ chức để đưa ra những giải pháp phù hợp giúp cây quế tại Yên Bái phát triển bền vững.

Hội thảo được tổ chức để đưa ra những giải pháp phù hợp giúp cây quế tại Yên Bái phát triển bền vững.

Sáng 11/5, Hiệp hội Thụy Sĩ vì sự hợp tác quốc tế tại Việt Nam (Helvetas) phối hợp với Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo định hướng phát triển quế bền vững.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp, Yên Bái xác định quế là cây trồng lâm nghiệp chủ lực, mũi nhọn và là cây đa tác dụng có giá trị kinh tế cao và ổn định. Yên Bái là tỉnh có diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước, với 80 ngàn ha quế tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên và một số huyện như Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh và Yên Bái.

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn sử dụng công nghệ lò hơi để trưng cất tinh dầu, với tổng công suất 1.000 tấn tinh dầu mỗi năm và hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình với công suất hơn 200 tấn một năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển diện tích trồng quế trên địa tỉnh với chính sách hỗ trợ cây giống, từ đó đã hình thành lên nhiều vùng trồng quế với quy mô và diện tích lớn như hiện nay.

Giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị đối các dự án sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng mỗi dự án.

Tham gia hội thảo, các cơ sở sản xuất quế, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm quế đã cùng bàn luận, chia sẻ về những thách thức của các công ty sản xuất quế thời kỳ hậu Covid-19, những hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng quế, tổng quan các chính sách cho phát triển quế, những hạn chế và đề xuất cải thiện chính sách, xu hướng thị trường khai thác nguyên liệu tự nhiên, thông tin về thị trường xuất khẩu quế.

Hội thảo định hướng phát triển quế bền vững được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất quế và các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu được quy trình sản xuất sản phẩm quế theo chuỗi từ nông dân đến công ty sản xuất, việc cấp chứng nhận hữu cơ trong toàn bộ chuỗi sản xuất, rà soát các chính sách hiện tại đối với phát triển trồng quế và đề xuất cải thiện chính sách hỗ trợ phát triển quế bền vững cũng như cập nhật các xu hướng và nhu cầu thị trường trên quốc tế về các sản phẩm có chứng nhận bền vững.

Đọc thêm