Hơn 132.000 lượt hộ được bơm vốn tín dụng đã thoát nghèo
Là một tỉnh miền núi nghèo còn nhiều khó khăn, hơn 56% số hộ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở nông thôn, vùng cao. Vì vậy, xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Yên Bái đặt ra trong phát triển kinh tế xã hội.
|
Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội được bà con đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi, đem lại nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái. |
Qua hơn 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 132.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Đồng thời thu hút, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động; gần 41.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 159.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 10.000 căn nhà ở cho hộ nghèo...
Theo đánh giá của Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, vốn tín dụng chính sách không những đầu tư phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân mà còn làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.
“Từ chỗ tự ti, mặc cảm, sợ không dám vay, đến nay người dân Yên Bái đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn sao cho hiệu quả nhất, để tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Gần chục năm trước, gia đình ông Hoàng Hồng Hà (người dân tộc Tày, ở bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) là hộ nghèo, cuộc sống quanh năm lam lũ, vứt vả, nghèo đói đeo bám. Năm 2019, ông được vay 50 triệu nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào trồng 2ha quế.
Đến nay, gia đình ông bắt đầu có thu nhập từ quế. Mới nhất, vụ quế vừa được thu hoạch cách đây hơn 3 tháng, ông Hà thu được 20 triệu tiền bán lá, bán cành tỉa cây. Với chu kỳ thu hoạch lên tới 15-20 năm, theo ông Hà tính toán, 1ha quế cũng phải đem về 300 triệu đồng mỗi năm.
|
“Được tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng, như có chiếc “cần câu cơm”, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mua giống, phân bón triển triển kinh tế rừng. Do vốn được vay lãi suất rất thấp, thời gian vay lại dài, nên gia đình tôi không thấy khó khăn, áp lực trong việc trả nợ, trả lãi hàng năm.
Điều phấn khởi, hạnh phúc lớn nhất là chỉ sau hai năm vay vốn trồng quế, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, cuộc sống thay đổi từng ngày tốt đẹp, sung túc lên”, ông Hà vui vẻ cho biết.
Vốn tín dụng “đòn bẩy” giúp người dân tộc thiểu số cùng làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống
Nhìn những đồi quế xanh vút tầm mắt với giá trị mấy chục tỷ đồng, là tài sản của gia đình anh Bàn Văn Minh (SN 1980, người dân tộc Dao đỏ), ít ai nghĩ được cách đây 15 năm, gia đình anh là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn của thôn Làng Câu (xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Anh Bàn văn Minh nhớ lại, lúc lấy vợ ra ở riêng, cuộc sống chật vật, luẩn quẩn trong đói nghèo, ăn bữa trước lo bữa sau. Không cam chịu cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, cùng với hơn 1 ha ban đầu bố mẹ cho, anh Minh đã đánh liều, quyết tâm vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để mua thêm đất đồi gò bỏ hoang quanh nhà, mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Mấy năm đầu anh Minh trồng xen canh quế với ngô sắn lấy lương thực phục vụ cuộc sống gia đình và chăn nuôi thêm con gà con lợn để cải thiện thu nhập. Sau một vài năm, anh lại chặt tỉa, bán quế, lấy vốn tái đầu tư và mua thêm đất rừng để trồng quế.
|
“Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, đến nay, gia đình anh Minh đã có 50ha trồng quế, độ tuổi từ 2-20 năm tuổi, tổng giá trị tài sản lên đến hơn 20 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng từ khai thác quế. Không những vậy, còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng”, anh Ban Văn Minh chia sẻ.
Có tiền tỷ từ việc trồng và thu mua vỏ quế, vợ chồng anh Bàn Văn Minh đã xây được ngôi nhà khang trang, bề thế nằm dựa lưng vào những rừng quế anh ngút ngàn, mua sắm được ô tô, nuôi con ăn học và học đại học. Bên cạnh đó, anh Minh còn tích cực giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong địa phương cách thức làm giầu từ cây quế…
Ông Đỗ Long Thảo – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Đến nay, về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu, đủ điều kiện đều đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.
Trong giai đoạn 2002-2023 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã thực hiện cho vay 452.819 lượt khách hàng với số tiền 11.172 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 10%. Từ chương trình tín dụng chính sách thời điểm năm 2003 với dư nợ 173 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ 4.650,4 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 55,7%. Số khách hàng còn dư nợ các chương trình là 84.436 khách hàng. Dư nợ bình quân một hộ đạt 55 triệu đồng/hộ.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa; mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; làm quen với các dịch vụ ngân hàng, tài chính; từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả.
“Tại Yên Bái, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015 giảm từ 24,23% năm 2010 xuống còn 16,2% năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020 giảm từ 32,2% năm 2015 xuống còn 7,04% năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025 giảm từ 18,7% năm 2021 xuống còn 12,92 % năm 2022”, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái Đỗ Long Thảo cho biết.
Trong giai đoạn tiếp theo, để vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái xác định cần tập trung huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu tăng trưởng tín dụng mỗi năm từ 8 -10%.
Cùng với đó, tăng cường công tác khảo sát nhu cầu vốn tại địa phương để giải ngân cho vay kịp thời khi có nguồn vốn. Đảm bảo 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được sử dụng nguồn vốn ưu đãi. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách; kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan để việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.