Yên Bái – Tết rừng giữa đại ngàn

(PLVN) -  Mỗi khi mùa xuân về vào cuối tháng riêng và đầu tháng 2 âm lịch, tại khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cộng đồng người dân tộc Mông lại cùng nhau tổ chức lễ hội “Tết rừng”, đây là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

Lễ hội Tết rừng được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân no ấm hạnh phúc.

Lễ hội cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Những nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, nơi có nhiều cây cổ thụ lớn.

Trên bàn thờ bằng đá, được đặt dưới gốc cây lớn nhất, là lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm: một con gà trống lông trắng, một con gà mái lông đen, một con lợn đen do 6 thanh niên người Mông chưa lập gia đình rước từ trung tâm xã đến cửa rừng, rượu, hương, giấy bản… để dâng cúng thần rừng.

Thầy mo hành lễ đốt 48 nén hương, rót rượu, xôi bày tại 4 góc ban thờ, sau đó thổi một hồi tù và, đánh một hồi mõ để bắt đầu làm lễ.

Phần làm lễ được chia làm hai phần cúng lễ sống và lễ chín, khán cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, không phá hay khai thác rừng.

Lễ vật dâng cúng Thần rừng

Thực hiện xong nghi lễ cúng tế Thần rừng, người dân các thôn, bản tập trung dưới khu rừng thiêng của thôn mình để cùng mổ lợn liên hoan. Sau lễ hội là phong tục cấm rừng trong ba ngày.

Theo tập tục, đồng bào dân tộc Mông trong xã Nà Hẩu nghỉ kiêng ăn Tết rừng ba ngày để tạ ơn thần rừng. Trong ba ngày này, mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng…

Mâm cúng thần rừng

Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông nơi đây đã được truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội Tết rừng gắn với những quy định bảo vệ rừng, đã trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng độc đáo của xã Nà Hẩu từ nhiều năm nay.

Nhờ có phong tục cúng rừng, người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ rừng, nhiều năm qua rừng được bảo vệ tốt, không để xẩy ra cháy rừng, vận chuyển gỗ trái phép, những mái nhà nằm dưới những tán rừng già chính là hình ảnh đẹp về sự thân thiện với môi trường ở xã Nà Hẩu.

Lễ hội là dịp quảng bá, thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra. Từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng lâu dài, bền vững.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích 16.950 ha, là nơi có thảm thực vật phong phú và cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam.

Không chỉ có giá trị lớn về đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, đây còn là khu rừng thực hiện chức năng phòng hộ xung yếu của lưu vực sông Hồng nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái và các loài động thực vật, đặc trưng cho khu vực núi thấp dãy Hoàng Liên Sơn nói riêng và phía Bắc Việt Nam nói chung.

Đọc thêm