Yên Bái: Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại huyện Văn Chấn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện đề án “Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái” giai đoạn năm 2021-2030, tỉnh Yên Bái đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống cây mắc ca khi thử nghiệm trồng với 2 phương thức trồng thuần và trồng xen trên đồi chè, tại 3 huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải với tổng diện tích 12 ha cùng sự tham gia của 10 hộ gia đình.
Cán bộ nông nghiệp huyện Văn Chấn hướng dẫn nông dân cắt tỉa cành mắc ca
Cán bộ nông nghiệp huyện Văn Chấn hướng dẫn nông dân cắt tỉa cành mắc ca

Để thực hiện đề án, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái tổ chức 5 buổi tập huấn, cho trên 400 hộ nông dân và cán bộ địa phương có những hiểu biết về cây mắc ca, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường mang lại khi trồng cây mắc ca cũng như những hạn chế, khó khăn khi trồng cây mắc ca.

Với những giá trị kinh tế được khẳng định khi đã canh tác tại một số tỉnh Tây Bắc, đề án trồng mắc ca sẽ nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân. Bên cạnh việc theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế của trồng cây mắc ca, tỉnh Yên Bái cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện rà soát, xác định được sơ bộ khoảng gần 1.600 ha diện tích đất có khả năng trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh,trong đó, có 500 ha trồng xen canh chè tại huyện Văn Chấn, gần 1.100 ha trồng thuần tại các địa phương.

Huyện Văn Chấn hiện có 4.485, 1 ha chè, trong đó có 376,4 ha chè trồng mới, 4.108,7 ha chè kinh doanh với năng suất bình quân đạt 110,35 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cây chè còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nơi, việc trồng và chăm sóc còn hạn chế làm giảm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vì thế, cây mắc ca với nhiều ưu điểm về giá trị kinh tế, tăng độ che bóng mát sẽ góp phần tăng năng suất của cây chè và thu nhập cho người trồng chè.

Để đề án triển khai hiệu quả, huyện Văn Chấn đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cụ thể theo từng năm, phân công nhiệm vụ cho từng phòng, ban chuyên môn, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của đề án đến nhân dân.

Năm 2022, tại Yên Bái huyện Văn Chấn dự kiến hỗ trợ 100 ha cây mắc ca trồng xen lẫn với diện tích chè tại 5 xã, thị trấn là Nậm Búng, Gia Hội, thị trấn Nông trường Liên Sơn, Sơn Thịnh và Đồng Khê. Huyện Văn Chấn sẽ hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác có diện tích trồng mới mắc ca xen chè từ 0,1 ha/hộ trở lên với mức hỗ trợ là 5,55 triệu đồng/ha (tương đương 50.000 đồng/cây giống) theo phương thức hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư.

Việc triển khai đề án trồng mắc ca xen chè sẽ giúp gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời, thúc đẩy cây chè sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán cây mắc ca, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cây mắc ca là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới, được trồng tại nhiều tỉnh trong cả nước và đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên trồng khoảng năm thứ 3 ra bói và đến năm thứ 7 - 8 cho thu hoạch nhiều. Cây mắc ca khi trồng xen trên diện tích chè, cà phê cho hiệu quả rất cao. Trong khi đó, Yên Bái là tỉnh có điều kiện, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây mắc ca, đặc biệt huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn, phù hợp trồng xen cây mắc ca.

Đọc thêm