Tôi tìm đến nhà em Trần Ngân Hằng (TP.Phủ Lý, Hà Nam) khi cô nữ sinh và nhóm bạn đang gấp gáp chuẩn bị hành trang đi từ thiện và giao lưu với trẻ mắc hội chứng Down ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Thấy tôi, Ngân Hằng chạy ra chào đón và rủ tôi đi cùng em về huyện Thanh Liêm giao lưu, chia sẻ với trẻ em bị mắc bệnh Down. Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười thánh thiện như mùa xuân tỏa nắng của Ngân Hằng khiến tôi gật đầu ngay. Trên chuyến xe về Thanh Liêm, tôi đã cùng Ngân Hằng trò chuyện rất nhiều. Những câu chuyện đó dần hé lộ cho tôi thấy Hằng là một nữ sinh căng tràn nhựa sống, một học sinh nhiệt huyết, đam mê với công việc thiện nguyện.
“Không cần học giỏi mà cần sống tốt”
Ngân Hằng sinh ra trong một gia đình khá giả. Bố mẹ em có mấy cơ sở kinh doanh chăn ga gối đệm có tiếng ở Phủ Lý. Dù là con út, được bố mẹ yêu chiều nhưng Hằng vẫn khá khiêm tốn, cố gắng tự lập, rèn luyện từ thuở bé.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ngân Hằng đã ham học hỏi, biết lắng nghe, tìm hiểu cuộc sống qua những trang sách, những câu chuyện trên tivi hay đơn giản là qua chiếc radio của bố. Có lẽ vì vậy, Ngân Hằng dù không học nhiều nhưng vẫn là học sinh giỏi, ưu tú của trường.
Hằng chia sẻ rằng, bố mẹ em rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng luôn cố gắng thu xếp, dành thời gian quan tâm, dạy bảo con cái đạo đức, lối sống giản dị, yêu thương đồng cảm với người khác. “Bố mẹ không bao giờ bắt em học nhiều hay đòi hỏi em phải học thật giỏi. Nhưng luôn dạy em phải sống thật tốt. Và mong em vui vẻ, sống hạnh phúc, làm những gì em yêu thích và cảm thấy là đúng” – Ngân Hằng nói.
Với tố chất thông minh cộng hưởng với sự chăm chỉ, Ngân Hằng dễ dàng thi đỗ vào khối chuyên Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông chuyên Biên Hoà (Hà Nam).
Từ khi là nữ sinh trung học, ngoài việc học tốt văn hóa và rèn luyện ở lớp, Ngân Hằng còn tham gia nhiều cuộc thi do nhà trường và tỉnh tổ chức và đạt được những giải thưởng cao, như giải ba môn Ngữ văn cấp tỉnh năm lớp 11. Tuy nhiên, điều đáng để nhắc về cô gái này, đó chính là tinh thần chia sẻ, giúp đỡ những phận người khổ đau.
Ngân Hằng cùng anh chị tại cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh Trung học năm học 2018-2019 |
Từ phút giây chạnh lòng…
Kể cho chúng tôi nghe, câu chuyện khơi nguồn cho ý tưởng nghiên cứu, xây dựng Dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng đối với trẻ mắc hội chứng Down”. Đó là lần Ngân Hằng cùng gia đình về Thanh Liêm chơi, em đã nhìn thấy rất nhiều em nhỏ mắc chứng Down không thể giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó gia đình các em lại có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng cho các em đi học các lớp chuyên biệt. Cô nữ sinh bỗng thấy chạnh lòng, thương cảm cho những số phận không may mắn.
“Các em rất rụt rè, sợ đông người, sợ giao tiếp nên chỉ dám quanh quẩn trong nhà. Có những em đã đến tuổi có thể đi học lớp 5 nhưng chưa từng gọi được tiếng bố/mẹ, chưa từng vui đùa cùng quả cầu, trái bóng,... hay bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc…”.
Đó là lần đầu tiên em thấy trẻ em bị Down. Những hình ảnh về các em cứ ẩn hiện, ám ảnh trong từng suy nghĩ của em. Em nghĩ rằng, ai sinh ra cũng có quyền được sống, được học tập, vui chơi. Các em bị bệnh Down cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn của nhà trường và xã hội”, Hằng nói.
Từ những trăn trở, suy tư đó đã thôi thúc Ngân Hằng “tìm đường” hàn gắn vết thương tâm hồn, giúp trẻ em bị bệnh Down hòa nhập với cộng đồng. Cô nữ sinh cấp 3 bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng đối với trẻ mắc hội chứng Down”.
…đến dự án giúp trẻ em bị Down hoà nhập cộng đồng
Sau nhiều ngày nỗ lực không ngừng, dự án của Ngân Hằng dần hoàn thiện, được các thầy, cô trong trường đánh giá cao rồi đưa đi dự thi và mang lại cho cô nữ sinh những thành tích ngoài mong đợi.
Cụ thể, sau khi dự án của Hằng đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh, dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng đối với trẻ em mắc hội chứng Down” của Ngân Hằng tiếp tục tham dự cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh Trung học năm học 2018-2019 và giành giải Nhì. Với thành tích này, ngày 12/3 vừa qua, Ngân Hằng vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó Ngân Hằng được đặc cách tuyển thẳng vào một số trường đại học danh tiếng trong nước.
Song song với quá trình dự thi các cấp, Ngân Hằng đưa luôn dự án vào thực tiễn. Em tạo fanpage “Trẻ em khuyết tật trí tuệ - Từ thiện đến nhân quyền” trên mạng xã hội và liên tục cập nhật thông tin tuyên truyền - kết nối cộng đồng, tạo tiếng nói chung nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về hội chứng Down, cũng như lên tiếng cho quyền được yêu thương, được bình đẳng và cống hiến cho xã hội của những người mắc bệnh.
Tập sách Ngân Hằng và bạn viết để tặng cho các trường Tiểu học ở huyện Thanh Liêm, giúp học sinh Tiểu học hiểu và gần gũi hơn với những em mắc hội chứng Down |
Vì tỉnh Hà Nam không có trường hòa nhập nên Ngân Hằng và nhóm bạn lập Câu lạc bộ “Zero to Hero”, liên tục chiêu mộ thành viên và tổ chức định kỳ những buổi giao lưu phát quà, cùng các em nhỏ vui chơi, hoạt động ngoài trời, hướng dẫn các em làm những đồ dùng thủ công đơn giản để các em có thể tự kiếm tiền cho gia đình.
Theo lời của cô nữ sinh, khó khăn lớn nhất trong quá trình giúp các em nhỏ thiệt thòi hòa nhập với cộng đồng là thời điểm bắt đầu - khi tiếp xúc với gia đình của trẻ mắc hội chứng Down. Phần lớn gia đình các em nhỏ này đều có tâm lý chung là sợ sệt, lo lắng, không tin vào khả năng của nhóm bạn trẻ nên không tạo điều kiện cho Ngân Hằng cùng nhóm bạn tiếp xúc đến gần con của họ và liên tiếp từ chối những lời đề nghị từ cô nữ sinh.
Ngân Hằng kể: “Bố mẹ các em cho rằng bản thân họ đã tiếp xúc, đồng hành với con mình từ khi con còn nhỏ mà nhiều lúc còn cảm thấy khó khăn trong việc nuôi dạy, chỉ bảo con, nên họ không tin tưởng và giao con mình cho chúng em. Họ sợ chúng em chưa thể trông được con họ, sợ con mình có thể bị tổn thương khi tiếp xúc với những người xa lạ”.
Cô nữ sinh và bạn đã mất một khoảng thời gian khá dài để tuyên truyền, khiến gia đình những trẻ mắc hội chứng Down hiểu hòa nhập là tốt, không những giúp trẻ nhỏ vui vẻ khi có thêm bạn bè, mà còn giúp các em phát triển hơn trong tư duy, nhận thức, thực hiện được những việc chưa bao giờ làm, tham gia những trò chơi chưa bao giờ chơi. Và cuối cùng thì Ngân Hằng cũng được các gia đình mở lòng.
Sau vài tháng tiếp xúc với những trẻ mắc hội chứng Down, Ngân Hằng chia sẻ: “Đồng hành với các em nhỏ trong một khoảng thời gian từ ngày đầu tiên khi các em gần như chẳng giao tiếp được gì và cho tới ngày hôm nay, các em đã có thể giao tiếp khá tự tin với mọi người và tham gia các hoạt động một cách tích cực. Với chúng em đó thực sự là niềm vui, là niềm hạnh phúc để chúng em có thật nhiều động lực đồng hành cùng các em trên con đường hoà nhập”.
Bên cạnh đó, để xoá bỏ khoảng cách giữa trẻ em mắc hội chứng Down và học sinh tiểu học ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam), Ngân Hằng và nhóm bạn đã viết tập truyện ngắn mang nhiều thông điệp ý nghĩa, gồm một số cuốn như: “Những người bạn đặc biệt”, “Trẻ em mắc hội chứng Down không thể thành có thể”,... để dành tặng cho các trường Tiểu học trên địa bàn huyện, giúp các bạn Tiểu học hiểu và gần gũi hơn với những em nhỏ thiệt thòi này.
Nói về ước mơ của mình, Ngân Hằng muốn trở thành một nhà kinh doanh vì cộng đồng. Vì vậy, Ngân Hằng dự định sẽ theo học ngành Quan hệ công chúng và tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án thiện nguyện để giúp những người mắc hội chứng Down hoà nhập với cộng đồng và trở thành một phần có ích cho xã hội.