Kết quả trên được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố sau thời gian phối hợp với Bưu điện Việt Nam thí điểm chi trả qua hệ thống Bưu điện từ năm 2016 đến nay.
Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH tại 20 địa phương, tỉ lệ hài lòng của người hưởng theo phương thức chi trả mới đều đạt khá cao. 99% - 100% người được hưởng tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Quang Nam hài lòng về thời gian chi trả. 95% - 100% người hưởng tại các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa đánh giá cao về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên Bưu điện khi thực hiện chi trả tại các điểm hoặc tại nhà đối tượng. Gần 100% người thụ hưởng tại các tỉnh đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.
Ông Phạm Quang Phụng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ LĐTBXH - cho biết, mô hình chi trả qua Bưu điện đã tách việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng, góp phần giảm công việc cho cán bộ chi trả xã, phường để họ có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng, đảm bảo tốt hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính và tinh giản biên chế theo chỉ định của Chính phủ.
Việc chi trả trợ cấp NCC qua Bưu điện tách bạch việc chi trả và tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong việc thực hiện chính sách NCC, nguồn tiền chi trả được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn hơn. |
Bà Chu Thị Lan Hương - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – cho biết, việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC được doanh nghiệp bưu chính công ích này triển khai trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng chi trả lương hưu, chi trả bảo trợ xã hội. Do được giao chi trả nhiều chế độ an sinh xã hội trên địa bàn, nên đối với những trường hợp một người được nhận nhiều chế độ (lương hưu, ưu đãi NCC, trợ cấp bảo hiểm xã hội…), Bưu điện sẽ tích hợp danh sách của đối tượng hưởng để chi trả cho các đối tượng vào cùng một thời gian. Điều này giúp các đối tượng không phải mất công đi lại nhiều lần.
Cũng theo bà Hương, việc tích hợp các hệ thống này với nhau sẽ góp phần tạo ra cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng vừa diễn ra tại Hà Nội, các địa phương đang triển khai thí điểm chi trả một phần như Thái Nguyên, Ninh Thuận, Quảng Ninh cũng cho biết sẽ nghiên cứu để sớm triển khai chi trả NCC với cách mạng trên toàn bộ địa bàn trong thời gian sớm nhất nhằm tạo thuận lợi cho người nhận và công tác quản lý cũng đạt hiệu quả cao hơn.
“Bưu điện Việt Nam xác định việc chi trả trợ cấp ưu đãi cho NCC với cách mạng không đơn thuần chỉ là chi đúng, chi đủ và kịp thời mà đây còn là công tác đền ơn đáp nghĩa. Bưu điện Việt Nam coi đây là một việc làm thể hiện sự tri ân của ngành Bưu điện với những người, gia đình có công với đất nước” - ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, nói. Bưu điện Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt sẽ sớm triển khai việc chi trả theo phương thức mới - chi trả điện tử để đối tượng hưởng ngày càng thuận lợi hơn, việc rút tiền linh hoạt, dễ dàng hơn.