Bị bạo hành trong tình yêu nhưng thay vì nhận diện hành vi bạo hành của đối phương nhiều bạn trẻ lại tự lấp liếm không thừa nhận vì sợ mất mát hoặc tự “ru ngủ” rằng vì mình được yêu nên mới… bị đòn!
Chịu đòn để… được yêu
Đi chơi với bạn, cô gái trẻ bị bạn trai… tát ngay giữa quán, trước mặt bạn bè. Sau một hồi cãi vã, anh chàng lấy xe của cô phi thẳng về nhà, để mặc cô một mình giữa đêm. Khóc như mưa, cô gái gọi điện đến cho cô giáo mình là chuyên gia tâm lý kể về sự việc. Nghe lời khuyên giải, cô gái bắt taxi về nhưng lúc đó cô vẫn thắc mắc: “Có phải vì yêu em nên ảnh mới… uýnh như vậy”.
Đó là một trong những câu chuyện được thạc sĩ Tô Nhi A (CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM) chia sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề Báo động nạn bạo hành trong tình yêu do CLB Tiền hôn nhân, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TPHCM tổ chức cuối tuần qua.
Các bạn trẻ chơi trò nhắm mắt xé giấy để thấy khi yêu mà không thiếu sự tỉnh táo, mù quáng thì sẽ lạc đường. |
Một bạn gái kể về trường hợp chị bạn 26 tuổi cùng phòng trọ, thường xuyên bị người yêu bạo hành về tinh thần lẫn thể xác. Ai khuyên chia tay, cô đều lắc đầu vì cho rằng mình đã lớn tuổi, rất khó để tìm người khác nên thà chịu bị đánh đập. Cô còn có suy nghĩ thà cưới cho có chồng, lấy nhau xong không sống nổi thì mới bỏ.
Gần đây, có không ít vụ án mạng đau lòng xuất phát từ bạo hành trong tình yêu. Bị từ chối tình cảm hoặc nửa kia muốn chấm dứt mối quan hệ, nhiều người đã đang tâm lấy đi tính mạng của người mình yêu thương hoặc chọn phương án “cả hai cùng chết”.
Đó là khi sự việc đã đến đường cùng, còn thực tế rất nhiều người sống chung với bạo hành trong tình yêu một cách vật vã nhưng không biết hoặc không đủ sức thoát ra.
Theo thạc sĩ Tô Nhi A, nhiều người có quan niệm khi yêu, người kia sẽ thuộc quyền sỡ hữu của mình hay tự cho rằng mình thuộc quyền sở hữu của người khác. Họ không dám nhận diện bạo hành vì sợ mất mát, sợ đau khổ, không chấp nhận dự cảm của tan vỡ nên có tâm lý mặc kệ, chấp nhận. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn hiểu lầm rằng do đối phương yêu mình nên người ta mới có hành vi bạo lực với mình.
Nạn nhân tiếp tay cho bạo hành
Thạc sĩ Tô Nhi A khẳng định, bạo hành trong tình yêu luôn có những dấu hiệu rõ ràng không khó để nhận diện. Khi đối phương kiểm soát, xâm phạm quyền cá nhân một cách thô bạo, ghen tuông tiêu cực, các ý kiến của nửa kia đưa ra đều bị bác bỏ, đối phương nói cái gì làm phải làm theo cái đó…thì bạn phải đặt ngay cho mình những câu hỏi.
“Đó là những hành vi cảnh báo rõ ràng việc bạo hành trong tương lai cần được ngăn chặn sớm nhưng đáng tiếc là nhiều bạn không dám đối diện, tự bao biện rằng mình đang được yêu thương. Chính suy nghĩ này đã dung dưỡng cho sự bạo hành, đối phương được “nuông chiều” ngay từ đầu thay cho việc nhận ra hành vi sai trái của mình”, chuyên gia tâm lý này nhấn mạnh.
Can đảm nhận diện những nguy cơ bạo hành để không tiếp tay cho hành vi sai trái này |
Khi người yêu có dấu hiệu trên, bà Tô Nhi A không khuyên các bạn chia tay ngay mà hãy tạo điều kiện để đối phương phản hồi vì tình yêu là giúp người khác tốt hơn, giúp họ nhận ra bản thân mình. Cần chọn thời điểm phù hợp để trao đổi, góp ý một cách nhẹ nhàng, chân thành. Nếu không nhận được thiện chí từ đối phương thì hãy chia tay chứ tuyệt đối không chịu đựng, dồn nén sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.
Quan trọng nhất là các bạn phải biết yêu thương và biết cách bảo vệ bản thân mình. Có lúc phải dám chấp nhận sự đổ vỡ để sống có trách nhiệm với bản thân mình hơn là gặm nhấm, níu kéo mối tình không còn tốt đẹp.
Tình yêu đổ vỡ không thể tránh được sự đau khổ nhưng mất tình yêu không có nghĩa là mất tất cả. Mỗi người cần xác định, tình yêu chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong cuộc đời, chúng ta còn vô vàn công việc để làm, vô vàn thứ để quan tâm. Mối tình tan vỡ sẽ cho bạn kinh nghiệm để mối quan sau này tốt đẹp.