Bạc Liêu tạo đột phá trong phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chiều 18/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm

Từ khi triển khai Đề án đến nay, sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử như năm 2021, sản lượng nuôi trồng đạt 295.881 tấn và tăng 11,58% so với năm 2019. Cùng với đó, Bạc Liêu cũng đã đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững như: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa…

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Đặc biệt, để đẩy mạnh nhân rộng phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, đã thành lập Tổ tư vấn phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, ban hành quy trình kỹ thuật và định mức đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham vấn trong quá trình đầu tư và phát triển mô hình trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, kiến nghị cơ quan chức năng quy định cụ thể về quy hoạch các hạng mục công trình của người nuôi tôm để đảm bảo không xả thải làm ô nhiễm môi trường; thực nghiệm hoàn thiện quy trình nuôi tôm an toàn sinh học…thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch thủy sản, giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, trong đó hỗ trợ Công ty nuôi tôm (kể cả vùng đệm) xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh (thu mẫu xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá, công nhận...)…

Một trong những kết quả đáng phấn khởi đạt được từ Đề án chính là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Điểm nổi bật của mô hình là ngoài tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm, còn hình thành nên những doanh nghiệp đầu tàu về nuôi tôm công nghệ cao.

Quyết liệt đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án

Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lữ Văn Hùng chỉ đạo: “Tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, khẩn trương rà soát, quyết liệt đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Đề án, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án nhằm khắc phục hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng năm, trong đó cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để ưu tiên chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đặc biệt, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bạc Liêu trở thành Trung tâm Quốc gia về tôm công nghệ cao, là Thủ phủ ngành tôm Việt Nam, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bạc Liêu cần phải vào cuộc mạnh mẽ, phải có quyết tâm cao, quyết liệt hơn, tập trung hơn nữa để ngành tôm Bạc Liêu phát triển, trong đó chú trọng tiếp tục đầu tư phát huy hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa trên địa bàn tỉnh.

Điện lực tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm; Ngân hàng cần có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp và nông dân tiếp cận nguồn vốn để nuôi tôm,..”.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo và Kết luận Hội nghị.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều phát biểu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo và Kết luận Hội nghị.

Phát biểu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo và Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại các tham luận của các Sở ngành, địa phương và Doanh nghiệp, HTX để sau Hội nghị này cùng với tập thể UBND tỉnh tiếp tục đánh giá, chọn lọc và xử lý theo đúng quy định.

Huy động nhiều nguồn lực

Để thực hiện thành công Đề án trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho đề nghị các Sở, Ban, Ngành có liên quan và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Sở, Ban, Ngành có liên quan và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Đề án, phấn đấu Tỉnh là nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững.

Đặc biệt, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều hi vọng và tin tưởng rằng, với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh ta cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; sự chuẩn bị, tính toán của Đề án và các ý kiến trao đổi, góp ý tại Hội nghị. Đây là những vấn đề cần được giải quyết thỏa đáng để đưa Bạc Liêu sớm trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước như Kế hoạch đã đề ra”.

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, từ nay đến năm 2025 cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và có hiệu quả; Triển khai, sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư phát triển nông nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật mô hình nuôi tôm; Tạo điều kiện cho hộ gia đình có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại. Khuyến khích liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hình thức hợp tác (HTX, trang trại) để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn…

Cùng với đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đọc thêm