Với các khu vực ít được quan tâm hơn như ngoại thành, bài toán xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường dường như càng nhức nhối. Nói cách khác, dù mật độ dân cư thấp hơn khu vực nội thành nhưng những năm gần đây, môi trường khu vực ngoại thành đang dần bị ô nhiễm nặng nề. Ngoại thành Hà Nội là một ví dụ. Không ít địa phương vì “vướng phải” vấn đề này mà không thể cán đích nông thôn mới.
Khổ sở vì ô nhiễm
Nhiều năm nay, xã Quảng Phú Cầu vẫn được xem là “điểm đen” về rác thải của huyện Ứng Hòa, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ làng nghề tái chế phế liệu và tăm hương của địa phương. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm hương nơi đây thải ra hàng trăm tấn mùn vầu, nứa, toàn bộ số chất thải này hầu như xả thẳng ra môi trường. Xả ra ao hồ không xuể, người dân còn đóng vào bao tải mang đi đốt gây ô nhiễm không khí trầm trọng.
Tương tự, bãi rác tự phát đầy ruồi nhặng, ao nước tù đọng với màu đen đặc, đường liên thôn ngập tràn mùi xú uế của gia súc… là những hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi đến xã Lệ Chi - Gia Lâm. Dù chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chừng 20km về phía Đông Nam song tình trạng xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn dường như vẫn chưa được quan tâm, chú trọng. Tại huyện Chương Mỹ, người dân khu vực Thượng Vực luôn trong cảnh bức xúc vì rác thải vứt bừa bãi hai bên đường, hôi thối nồng nặc. Theo tìm hiểu, tại các thôn, xã thuộc Chương Mỹ phần lớn đều đã có tổ dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết. Tuy nhiên, do lượng rác thải hàng ngày lớn nên tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay tại khu vực cửa bãi tập kết vẫn tiếp diễn.
Một địa phương khác cũng đang khổ sở vì tình trạng ô nhiễm là Dương Liễu - Hoài Đức. Theo đó, nơi đây có hơn 3.100 hộ, thì trên 2.800 hộ dân sản xuất tinh bột, làm miến và bánh kẹo. Là xã có nhiều hộ giàu, nhiều doanh nghiệp lớn nhưng nhiều năm nay người dân ở đây phải sống chung với ô nhiễm. Để sản xuất ra hàng trăm tấn tinh bột, miến, mỗi ngày Dương Liễu thải ra hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Nước thải và chất thải của các làng nghề phần lớn đều đổ ra kênh T2 và T26 khiến các con kênh này trở thành “kênh chết”.
“Cản đường” nông thôn mới
Theo tìm hiểu, hiện nước ta có đến 68,06% dân số sống ở nông thôn. Đa số người dân làm nghề nông hoặc sản xuất nhỏ tại các làng nghề. Hoạt động các làng nghề rất đa dạng, trong đó một số loại hình sản xuất có đặc thù phát thải nhiều loại khí độc hại như: Làng nghề tái chế kim loại, giấy, nhựa, đúc đồng, làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng… thường gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường.
Nói như vậy để thấy rằng, kiểm soát môi trường ở nông thôn vẫn chưa được các cơ quan chức năng chú trọng. Theo một thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khu vực nông thôn phát sinh gần 2.500 tấn rác thải/ngày. Đến nay, phần lớn các xã, thị trấn đã thành lập tổ vệ sinh, bố trí quỹ đất làm bãi tập kết, ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ môi trường để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải… Tuy nhiên, xử lý rác thải nông thôn là vấn đề khó khăn. Nói cách khác, do đặc thù về địa hình và cơ sở hạ tầng nên việc thu gom, vận chuyển rác thải khó khăn hơn khu vực nội đô. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên vẫn còn nhiều trường hợp xả rác bừa bãi, đổ rác không đúng điểm tập kết theo quy định.
Hệ lụy nhãn tiền là, theo ước tính mỗi ngày huyện Chương Mỹ phát sinh gần 220 tấn rác, nhưng chỉ đưa được về khu xử lý tập trung của thành phố 90 tấn; huyện Đông Anh xử lý được hơn 90 tấn trên tổng số 180 tấn rác; Thường Tín xử lý gần 90 tấn trên tổng số 160 tấn… Tổng số còn tồn đọng gần 670 tấn rác thải/ngày chưa được xử lý. Để giải quyết số tồn đọng, nhiều địa phương đều tiến hành xử lý tạm bợ bằng cách chôn lấp, đốt tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường.
Môi trường cũng là một trong những tiêu chí “gây khó” với không ít địa phương ngoại thành Hà Nội. Nói cách khác, đây cũng là trở ngại lớn nhất của nhiều địa phương khi “cán đích” nông thôn mới, huyện Hoài Đức là một ví dụ. Theo đó, đến hết năm 2015, toàn huyện có 17/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ còn 2 xã chưa đạt. Dĩ nhiên, chừng nào yếu tố môi trường chưa “đạt chuẩn” thì việc “cán đích” nông thôn mới vẫn là chuyện xa vời.
Mới đây, tại Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ rõ, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều làng nghề hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, Sở TN&MT tại các địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp giúp làng nghề khắc phục tình trạng ô nhiễm như: xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ các phương tiện sản xuất bằng máy móc; xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề ở ngoài khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trước, trong và sau khi sản xuất; vận động các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường; xây dựng một số trạm xử lý nước thải tại các làng nghề chế biến nông sản có mức độ ô nhiễm lớn…
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là, điều kiện vật chất và cơ sở hạ tầng giúp xử lý môi trường như các chuyên gia phác thảo vẫn “xa vời” thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt các địa phương nên đẩy mạnh thực hiện giải pháp xã hội hóa xử lý rác thải. Động thái này ít nhiều sẽ giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực ngoại thành.