-
Bảng thông tin công trình trên đoạn đường thi công còn nham nhở.
Tuyến đường liên huyện Pleiku - Đak Đoa - Chư Sê (Gia Lai) được nhà thầu thi công nâng cấp, sửa chữa hoàn thành cuối năm 2021. Trong đó, đoạn từ ngã 3 La Sơn tới trung tâm xã Ia Tiêm là gói thầu số 8 (Dự án Đầu tư phát triển).
Theo thiết kế hạ tầng, công trình là đường cấp IV miền núi. Tuyến đường có chiều dài khoảng hơn 7km, nền đường rộng 7,5m đến 9m; mặt đường rộng 5,5m đến 7m; mặt đường láng nhựa, có hệ thống thoát nước hai bên, đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian thực hiện công trình 360 ngày.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 44 tỷ đồng, vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 và vốn ngân sách tỉnh. Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư dự án.
Mặt đường vừa mới láng nhựa được vài tháng. |
Thấp thỏm sống bên cạnh đường mới
Theo người dân phản ánh, con đường mặc dù mới được láng nhựa vài tháng nhưng đã gồ ghề, lồi lõm, các trụ tín hiệu giao thông sơn trắng không có ghi số km. Hệ thống cống thoát nước đoạn thôn Hàm Rồng, Chi Lăng ra ngã 3 La Sơn ngổn ngang, nham nhở đất đá, nước không thoát hết gây tình trạng tù đọng ô nhiễm. Tại khu vực dân cư sinh sống đông đúc, cống dọc 2 bên mương thoát nước không có nắp cống. Người dân muốn ra vào nhà thì phải tự mua đanh bê tông xi măng về lắp, thậm chí có hộ dân còn dùng gỗ, củi gác ngang để làm tạm nắp mương cống.
Nắp cống được làm tạm bằng gỗ mục và củi. |
Ông H, một người dân ở đây, cho hay: “Bên đó người ta không làm cống. Hết cả cái thôn này phản ánh lên xã nhưng chủ tịch xã nói bó tay, công ty làm gì làm chứ chủ tịch xã không chịu trách nhiệm. Có ông giám đốc công ty, tui hỏi sao không làm nữa. Họ kêu hết ngân sách rồi. Dân quậy quá họ mới chịu lắp mỗi nhà 4 cái nắp cống. Có 1 thằng thanh niên chạy xe rớt xuống cống, đập ngực vào thành cống luôn đó”.
Cống vừa thi công xong đã vỡ hỏng. |
Còn bà D.T tỏ ra bực bội chuyện con đường: “Công ty đã làm xong đường trước Tết rồi mà nắp cống không chịu lắp. Tui bảo lắp mà họ không lắp, tui sợ sập quá phải lấy 2 viên đá chặn ngay chỗ này. Dân tự lắp đá lắp đất. Nhà ai nấy dọn, tệ lắm em ơi, giờ biết kêu ai đây, kêu cho thấu trời”.
Trao đổi với ông Lê Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Ia Băng, huyện Đắc Đoa, ông Hùng cho biết: “Mỗi hộ dân trong phương án thi công thì chỉ có hỗ trợ lắp mỗi nhà 4 tấm đanh để vào cổng thôi. Có một số đoạn không có mương thì chúng tôi làm việc với đơn vị thi công và họ cũng đã làm mương, lắp lại các hố ga tránh tình trạng đi xe bị tai nạn. Ban Quản lý dự án nói đây là giai đoạn 1, hết ngân sách, kinh phí khó khăn nên chỉ làm vậy thôi. Địa phương cũng có đề xuất mà người ta nói như vậy thì cũng chịu thôi”.
Rõ ràng công trình xây dựng, sửa chữa nêu trên sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hơn 40 tỷ đồng, thi công vừa hoàn thành nhưng mặt đường như bị chắp vá, lồi lõm, không bằng phẳng, mương cống, hố ga lại thiếu nắp đậy. Dư luận đặt ra nghi vấn, liệu công trình thi công có chất lượng, năng lực nhà thầu có vấn đề?
Ban Quản lý “đá bóng” trách nhiệm
Theo tìm hiểu, đơn vị trúng thầu, thi công là Liên danh Công ty CPXD và Kỹ Thuật Toàn Thịnh và Công ty CP Lam Sơn. Người đại diện liên danh là ông Nguyễn Xuân Cường. Cả 2 thành viên của liên danh trúng thầu đều từng trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Trụ sở Công ty CP Lam Sơn – đơn vị trúng thầu dự án. |
Có thể điểm qua danh mục đấu thầu của Công ty CP Lam Sơn, trong vòng thời gian ngắn, nhà thầu này với tư cách độc lập và liên danh đã đấu 55 gói thầu, trúng 47 gói, tổng trị giá trúng thầu gần 700 tỷ đồng. Riêng từ năm 2020 tới nay, đơn vị này đã liên tục trúng 17 gói thầu. Theo dõi diễn biến tại nhiều gói thầu cho thấy, đơn vị này là “siêu nhà thầu” tại Gia Lai. Thời điểm hiện tại, Công ty CP Lam Sơn cũng đang thi công nhiều gói thầu khác nhau, trong đó có gói thầu đường liên xã IaDer – Ia Bã – ia Grai, có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Để tìm hiểu cụ thể hơn về dự án, đơn vị trúng thầu, đơn vị thi công, phóng viên đăng ký làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình tỉnh Gia Lai (BQL DA ĐTXD Gia Lai). Tuy nhiên, đơn vị này chỉ trả lời bằng văn bản với Báo chí.
BQL DA ĐTXD Gia Lai này thông tin bằng văn bản rằng: “Dự án đường liên huyện Pleiku – Đak Đoa – Chư Sê đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành đang thực hiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng. Việc thi công nghiệm thu các hạng mục công trình được tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế được duyệt và các quy định liên quan. Về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, theo quy định Ban Quản lý chỉ cung cấp cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu, đối với hồ sơ của các doanh nghiệp, đề nghị quý Báo liên hệ trực tiếp làm việc”.
Nói như vậy, công trình đã hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng nhưng không có nắp cống, hố ga ? Việc trả lời của BQL DA ĐTXD Gia Lai là không rõ ràng, chưa thỏa đáng với nguyện vọng người dân được quyền giám sát và cần biết.
Trong văn bản trả lời Báo chí, BQL DA ĐTXD Gia Lai nêu rằng: “Theo quy định Ban Quản lý chỉ cung cấp cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu”. Vậy việc “chỉ cung cấp” cho cơ quan chức năng (không phải thông tin mật) mà từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan Báo chí là vi phạm qui định Pháp luật.
Hơn nữa, với chất lượng công trình hiện tại, nghi vấn đặt ra cho các đơn vị thi công công trình, đó là việc liên danh trúng thầu, đơn vị thi công công trình có đảm bảo năng lực đúng với hồ sơ đã đăng ký đấu thầu ? Và nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong vụ việc này.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vào kỳ sau.