Người thợ mộc bí ẩn
Vào năm 1878, Nhà thờ Loretto được xây dựng theo lệnh của Giám mục giáo phận Santa Fe lúc đó là Đức cha Jean Baptiste Lamy. Nhà thờ do kiến trúc sư người Pháp tên là Antoine Mouly thiết kế theo phong cách Tân Gothic với các nguyên vật liệu nhập từ Pháp. Có quy mô nhỏ hơn, Loretto mang một số nét giống Nhà thờ Đức Bà Paris.
Khi công trình gần như hoàn thành, bảy tu nữ được giao nhiệm vụ giám sát nơi này phát hiện ra rằng, họ quên không xây dựng cầu thang để đi lên lầu. Khi bày tỏ ý định muốn xây cầu thang, những người thợ mộc một mực khuyên các nữ tu nên từ bỏ ý định vì bất khả thi, một phần do nhà thờ quá nhỏ không đủ chỗ để xây cầu thang bình thường.
Phần nữa một chiếc thang bình thường sẽ phá hỏng kiến trúc đẹp bên trong nhà thờ. Cuối cùng, những người thợ mộc đề nghị các tu nữ nên phá bỏ lầu hát thay vì xây dựng cầu thang.
Trong lúc rối trí không biết phải giải quyết bằng cách nào, các nữ tu quyết định dâng lễ cầu nguyện với Thánh Giuse, với hy vọng có thể giải quyết vấn đề khó khăn này. Theo lời đồn, khi kết thúc buổi lễ cầu nguyện, một người đàn ông bỗng dưng xuất hiện trước cửa nhà thờ.
Đó là một người khỏe mạnh, cao lớn, để râu, đôi mắt đen láy và khuôn mặt dạn dầy sương gió. Đi cạnh ông là một con lừa nhỏ da màu xám tro, lưng đeo đồ nghề thợ mộc và những khúc gỗ. Người đàn ông lạ nói rằng bản thân có thể xây cầu thang như mong muốn của các nữ tu. Tuy nhiên, người thợ mộc đưa ra một điều kiện, đó là ông ta sẽ toàn quyền quyết định và việc xây dựng công trình cần giữ bí mật tuyệt đối trong suốt ba tháng.
Không hiểu vì lý do gì nhưng các nữ tu cảm thấy tin tưởng hoàn toàn, và đồng ý. Trong suốt 3 tháng, người đàn ông lạ mặt nhốt mình bên trong nhà thờ với một cây cưa, một cây thước và vài món dụng cụ đơn giản. Khi chiếc cầu thang xây hoàn thành, ông biến mất không màng đến thù lao. Các nữ tu liên lạc với những nhà mua bán gỗ địa phương với hy vọng có thể tìm ra tung tích của người thợ bí ẩn, thậm chí thông cáo trên tờ báo địa phương nhưng không thấy.
Bên ngoài Nhà thờ Lorreto |
Khắp thành phố Santa Fé, người ta cho rằng người thợ mộc bí ẩn làm ra chiếc cầu thang kỳ diệu chính là Thánh Giuse. Ngài đến để đáp lại lời nguyện xin của các nữ tu. Từ thời điểm đó, chiếc cầu thang được coi là một “phép lạ”.
Chiếc cầu thang phi thường
Chiếc cầu thang cao khoảng 7m. Các bậc thang không có điểm tựa ở trung tâm, kết thành hai vòng tròn 360 độ, tổng cộng 33 bậc với kích thước giống y hệt nhau, tượng trưng cho 33 năm Chúa Giuse sống ở trần gian.
Cầu thang được ráp nối bằng 93 tấm gỗ, dài từ 0,9-1,5m, gồm 10 tấm dùng làm sườn phía ngoài, 8 tấm làm sườn phía trong, 33 tấm gỗ là bậc thang, 33 tấm kê giữa 2 bậc thang, phần còn lại dùng làm đoạn vòng dưới chân cầu thang. Kỹ thuật ráp nối lạ lùng. Cầu thang được đóng và đứng sừng sững mà không cần bất kỳ cây đinh hoặc keo dán, không cần trục trung tâm hoặc đà ngang làm điểm tựa.
Người thợ mộc chỉ dùng các chốt gỗ hình vuông để đảm bảo các bậc thang gắn lại với nhau. Có thể nói, sự tồn tại của chiếc cầu thang đi ngược lại mọi quy tắc vật lý và hầu như ai mới nhìn thấy cũng nghĩ rằng chẳng sớm thì muộn nó cũng đổ sụp.
Chiếc cầu thang đã thách đố những phân tích khoa học cũng như khoa kiến trúc và ngành thủ công nghệ. Kiến trúc sư kiêm chuyên gia nghiên cứu gỗ Urban Weidner nhận xét: “Một trong những điều khiến giới kỹ sư và các nhà kiến trúc phải sửng sốt, đó là những tấm gỗ được ghép nối thành sườn cầu thang có độ cong tuyệt hảo và rất chính xác, đường ghép nối lại hết sức tinh vi, không tìm thấy một khuyết điểm nào”.
Về gỗ làm cầu thang, nhiều chuyên gia đã phân tích và tìm hiểu, nhưng không một ai có thể khẳng định về nguồn gốc, xuất xứ của nó. Có nhà nghiên cứu nói rằng đây là một loại thông có thớ gỗ nằm sát vỏ. Nhiều người khác cho rằng, những tấm gỗ được làm từ loại thông vàng lá dài. Còn theo ông Urban Weidner, loại gỗ ít bị mòn này không hề có tại New Mexico.
Việc người thợ lạ mặt lấy gỗ từ đâu mang về làm cầu thang vẫn còn là một bí ẩn. Đặc biệt mặt các bậc thang liên tục bị đi lại và giẫm lên từ khi hoàn thành cách đây hơn 100 năm, nhưng chỉ có mép bậc thang mòn đi.
Hai bên các bậc thang không có song chắn an toàn và cũng không có tay vịn. Thời điểm đầu, các nữ tu vì sợ quá nên phải bò lên từng bậc, rồi khi xuống, phải cho hai chân xuống trước, rồi bám bậc phía trên, từ từ bò xuống. Phải đến năm 1887, tức 10 năm sau, các nữ tu mới cho gắn thêm phần tay vịn, còn vòng xoắn bên ngoài được tựa vào cây cột gần đó.
Chiếc cầu thang đã trở thành chủ đề của nhiều bài viết, đặc biệt là truyền hình và phim ảnh. Nhưng cho đến nay, những bí ẩn về cấu trúc của chiếc cầu thang này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.