Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 được tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn kiến nghị UBND tỉnh Bình Định và Sở Giao thông vận tải cùng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 có những giải pháp căn cơ lâu dài để giải quyết tình trạng ngập úng trên tuyến đường quốc lộ 1A qua 2 phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Đồng thời, có biện pháp xử lý hạ cos ta luy dương để đảm bảo an toàn, không bị sạt lở đất vào mùa mưa trên khu vực núi Vũng Chua.
Đối với việc sạt lở núi Bà Hỏa đoạn đầu đường Nguyễn Tất Thành, UBND TP Quy Nhơn đang thuê đơn vị tư vấn, khảo sát, đánh giá lại địa chất. Khi có đầy đủ dữ liệu, UBND TP Quy Nhơn sẽ báo cáo và xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định về phương án xử lý.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá, tổng kết lại thiệt hại trong đợt lũ lụt này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định, đây là năm lũ lụt lớn nhất kể từ 4 năm về trước, xấp xỉ đợt lũ lụt năm 2013. Ông Long yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp UBND TP Quy Nhơn cùng các ngành và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khảo sát, đánh giá lại địa chất một số khu vực bị sạt lở đất, đá.
Không chỉ riêng đoạn sạt lở núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua tại Quy Nhơn, mà vụ sạt lở núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) và sạt lở tuyến đường xã An Trung đi xã An Vinh (huyện An Lão) cũng phải đánh giá, khảo sát lại địa chất để có giải pháp, xử lý tình huống khi sạt lở đất xảy ra trong những đợt mưa lũ tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao Sở Xây dựng xem xét lại toàn bộ quy hoạch phát triển du lịch trên khu vực bán đảo Phương Mai (TP Quy Nhơn) và các tuyến núi.
“Ở trên sườn núi, các dự án mới chỉ quy hoạch thì phải hủy, bởi nếu để quy hoạch như thế thì rất nguy hiểm. Nếu cứ phá núi mở đường làm dự án, sau này sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường”, ông Long nói.