Bình Định sẽ là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế

(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, trước tháng 1/2022, Bình Định sẽ là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế bên cạnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn.

Thời gian qua, du lịch Bình Định được xem như là một điểm đến an toàn, hấp dẫn, lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước đến để tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2019 khách du lịch đến Bình Định đạt 4.829.000 lượt khách, tăng 18% so với năm 2018 (trong đó khách du lịch quốc tế đạt 484.000 lượt, tăng 47,8% so với năm 2018). Doanh thu du lịch đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 49,9 % so với năm 2018 và thu hút được hơn 67 dự án đầu tư du lịch với nhiều tập đoàn lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS, Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh, Tập đoàn Hoa Sen…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có trên 384 cơ sở lưu trú, với tổng số phòng đạt 11.623 phòng. Trong đó, các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng đạt chuẩn từ 3 - 5 sao chiếm 26% trên tổng số phòng lưu trú toàn tỉnh, bao gồm: 1 khách sạn 5 sao và 9 khách sạn 4 sao đạt 2.395 phòng, 10 khách sạn 3 sao đạt 567 phòng.

Tại buổi Tọa đàm “Bình Định kích hoạt du lịch xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn” diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch trong điều kiện an toàn thích ứng với dịch COVID-19 và chuẩn bị cho sự phục hồi, phát triển trở lại của du lịch nội địa, đặc biệt là chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Du lịch tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu tại Tọa đàm “Bình Định kích hoạt du lịch xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn”.

Cụ thể, đẩy mạnh triển khai liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn năm 2021 - 2022; phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và tạo được dấu ấn riêng, khác biệt so với các địa phương khác, đặc biệt khai thác, giới thiệu văn hóa đặc sắc của địa phương; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thiết thực trong việc phát triển du lịch; chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Ông Đỗ Việt Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, sau đợt giãn cách lần thứ tư, Bình Định đã và đang chuẩn bị sẵn sàng tất cả các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực và hạ tầng để mở cửa đón khách trong bối cảnh thị trường nội địa đang có nhiều điểm sáng và câu chuyện mở cửa du lịch quốc tế cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quyết liệt cho toàn ngành.

Là nhà đầu tư chiến lược và cũng là doanh nghiệp tâm huyết với sự phát triển du lịch của Bình Định từ những ngày đầu triển khai dự án, Tập đoàn FLC sẽ đồng hành cùng Bình Định trong quá trình này, với những chương trình hành động cụ thể và thiết thực.

“Có thể nói rằng, hơn bao giờ hết, ngành du lịch đang cần đến sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống, từ Chính phủ, các cấp bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Một bộ giải pháp toàn diện sẽ là liều thuốc trợ lực hiệu quả nhất để đưa du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhanh chóng tăng tốc và góp phần là bệ phóng cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác”, ông Hùng cho biết.

Đọc thêm