Nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 5
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 5, khoảng 4 giờ sáng ngày 31/10, một cơn lốc mạnh giật trên cấp 9, đi dọc theo trục Đông Tây thuộc các xã Đức Minh, Đức Lân, Đức Phong… huyện Mộ Đức và tàn phá mọi thứ trên đường di chuyển. Trung tá Trần Huy Nghĩa, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Đức Minh cho biết, ĐBP Đức Minh quản lý 5 xã khu vực biên giới biển.
Cơn lốc xoáy đã làm 326 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 4 người bị thương nặng phải đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu. Tại địa bàn khu dân cư 2 xã ven biển Đức Minh và Đức Phong - 2 xã bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngay khi xảy ra sự việc, ĐBP Đức Minh đã nhanh chóng điều động 25 cán bộ, chiến sỹ và 15 xe máy, phối hợp với công an, quân sự và chính quyền địa phương 5 xã giúp nhân dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa, kê lại đồ vật dụng, lợp lại mái nhà.
Dân cư 2 xã Đức Minh và Đức Phong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhà chủ yếu lợp ngói. Xã Đức Minh có 33/71 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Các vật dụng và đồ dùng sinh hoạt trong nhà bị ướt nhẹp. Một số nhà lợp fibroximăng nên tấm lợp bị vỡ, không tận dụng được gì.
Hiện việc sửa chữa vẫn chưa xong vì một số hộ dân chưa đặt mua được ngói lợp nhà. Có nhà dân Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phải lợp mái từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới hoàn thành.
Tiếp tục công tác giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ĐBP Bình Thạnh, ĐBP Sa Huỳnh cũng đã triển khai hàng chục lượt cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn giúp nhân dân vùng ngập úng, triều cường thu dọn nhà cửa, đưa tài sản về lại nơi ở.
Hiện nay, các tỉnh miền Trung đang là mùa mưa bão. Thay vì phải hoàn thành việc thu dọn lồng bè, không tổ chức nuôi mới trước mùa mưa bão, thì đến cuối tháng 10, vẫn còn nhiều lồng bè cá, hàu chưa được thu hoạch. Hàng chục hộ dân ở huyện Đức Phổ còn đầu tư làm lồng bè, để xuống giống nuôi hàu.
Trong khi đó, huyện Đức Phổ không được UBND tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch nuôi thủy sản biển. Trong cơn bão số 5, lồng bè ken đặc cửa biển, nhất là dưới cầu Thạnh Đức. Vì vậy, khi tàu vào neo đậu, cuốn cả lồng bè, người dân bị thiệt hại.
Theo quy định, lồng bè nuôi ngoài quy hoạch, các hộ chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra rủi ro, thiệt hại. Trong trường hợp xảy ra nguy hiểm, mưa bão, địa phương tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, dù mưa to gió mạnh nhưng nhiều hộ vẫn ở trên bè để... bảo vệ lồng bè.
Lo sợ lũ lớn thiệt hại tài sản, nhiều hộ dân nuôi cá ở khu vực cửa biển Sa Cần (Bình Sơn) kéo lồng bè xuống cảng Dung Quất tránh trú, gây nguy cơ mất an toàn giao thông thủy trên vùng nước cảng biển.
Trước thực trạng trên, ĐBP cửa khẩu cảng Dung Quất, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi và chính quyền địa phương đã vận động các hộ nuôi hải sản đưa lồng bè ra khỏi vùng nước cảng Dung Quất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, vùng nước cảng biển Dung Quất có 22 lồng bè của 18 hộ nuôi với 17.000 cá thể hải sản.
Sẵn sàng ứng phó mưa bão
Bão số 6 được dự báo là hướng vào các tỉnh miền Trung. Khi nhận được tin có bão, ngư dân Quảng Ngãi tập trung tàu thuyền về các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền để neo đậu, tránh trú, tập trung chủ yếu ở cảng neo trú Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Mỹ Á (huyện Đức Phổ), cảng cá Sa Huỳnh (Đức Phổ) và vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn.
|
Tổng đài báo bão, gọi tàu cá vào nơi tránh trú an toàn. |
Do bão còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km, sau khi được kêu gọi, 114 tàu cá với gần 2.000 ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi vào các âu tàu tránh bão ở đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn. Tại ĐBP Đức Minh, Trung tá Đỗ Văn Hiển - Phó Đồn trưởng ĐBP Đức Minh cho biết, tổng số phương tiện trong địa bàn Đồn quản lý là 312 phương tiện.
Hiện có 311 phương tiện đang neo đậu tại bến gồm các bãi ngang trong địa bàn và khu vực Cửa Lở. Còn một tàu cá đánh bắt xa bờ số đăng kiểm QNg 93089TS, công suất 718CV do ông Nguyễn Nầy (SN 1971, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) làm chủ, kiêm thuyền trưởng hiện đang neo đậu tại cảng Đà Nẵng.
Tàu cá trên địa bàn chủ yếu có công suất nhỏ từ 30CV trở xuống. Vào thời điểm gió mùa thì cát thổi lấp Cửa Lở trên sông Vệ, tàu bè không ra biển được, chỉ có thuyền nan chèo ra được. Khi nước lũ về, nước mới khơi thông cửa cho tàu cá đi lại.
Do ảnh hưởng của bão số 6, Ban Quản lý cảng Lý Sơn Quảng Ngãi đã thông báo tạm dừng tuyến giao thông Sa Kỳ - Lý Sơn từ ngày 4/11, tàu thuyền không xuất bến để người dân chủ động các hoạt động đi lại cũng như kinh doanh, sản xuất.
Tại cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn, BĐBP không làm thủ tục xuất bến cho người và tàu thuyền. Mùa này khách du lịch ra đảo không nhiều, vì vậy khi biết đảo sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, du khách đã chủ động mua vé tàu trở lại đất liền từ vài ngày trước.
Những ngày qua, BĐBP và người dân Lý Sơn đã chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhiên liệu để sử dụng trong những ngày biển động. Đảo Bé (An Bình, Lý Sơn) cũng đã dự trữ 2 tấn gạo để hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp.
Các tàu vận tải hành khách, hàng hóa đã tìm nơi tránh trú an toàn. Dự báo tuyến giao thông này sẽ tạm dừng hoạt động đến hết tuần này. Vào mùa biển động Lý Sơn thường xuyên bị chia cắt, cô lập với đất liền, có thời điểm tuyến giao thông thủy Sa Kỳ - Lý Sơn ngưng hoạt động hơn 10 ngày.