Bộ trưởng Y tế "đẩy" việc công bố dịch sởi cho Hà Nội?

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc công bố hay không được thực hiện theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Việc Hà Nội công bố dịch hay không là thuộc thẩm quyền của UBND TP, ngành y tế không có thẩm quyền bắt phải công bố hay không công bố dịch. 
Bệnh viện quá tải bệnh nhi sởi.
Chiều hôm qua 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới Bệnh viện Nhi Trung ương (BV) kiểm tra, chỉ đạo hoạt động liên quan tới việc số lượng bệnh nhi sởi tăng bất thường. 
Theo báo cáo của các lãnh đạo BV, từ 30/1/2014 đến nay, tại BV đã có tới 103 trẻ tử vong liên quan đến sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong do bệnh sởi và 78 trẻ tử vong do các biến chứng của bệnh sởi (như viêm phổi, tiêu chảy, đồng nhiễm cả sởi và các bệnh lý khác). Hiện số bệnh nhi (BN) đang nằm điều trị tại BV là 1.750 trẻ, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 trẻ, riêng bệnh sởi là 250 trẻ.
Để có chỗ điều trị cho BN sởi, BV đã phải dành toàn bộ Khoa Truyền nhiễm, kể cả phòng của lãnh đạo khoa để điều trị; thậm chí phải huy động cả giường bệnh của các khoa khác như: Cấp cứu lưu, Tâm bệnh, Đông y cho BN sởi nằm. BV cũng đã phải sử dụng các phác đồ tối ưu nhất như: Kết hợp 3 loại kháng sinh, dùng máy thở, hỗ trợ hô hấp, lọc máu… với chi phí rất tốn kém. 
Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế nên công bố dịch để chủ động phòng, chống. Quan điểm này được ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em ủng hộ: “Đã đến lúc Bộ Y tế phải công bố dịch để huy động các Bộ, ngành tham gia phòng, chống dịch”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc công bố hay không được thực hiện theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Hà Nội là địa phương có số mắc sởi cao nhất cả nước, chiếm gần 30% số mắc và gần 50% số ca tử vong do sởi. Việc Hà Nội công bố dịch hay không là thuộc thẩm quyền của UBND TP, ngành y tế không có thẩm quyền bắt phải công bố hay không công bố dịch. Cũng theo bà Tiến, hiện Sở Y tế đang báo cáo với UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo. Bộ Y tế chỉ có ý kiến sau khi Hà Nội có quyết định cuối cùng.
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, có tính lây truyền cao. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi, họng bệnh nhân. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có thể cảm nhiễm với bệnh sởi. 
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ em cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. 
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ trẻ em cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng các tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng, cần tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, nhà ở sạch sẽ. Khi trẻ em có biểu hiện sốt phát ban kèm theo ho cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để khám, chữa bệnh và được tư vấn về phòng bệnh cho trẻ.   
Bệnh nhi sởi tại Hải Phòng cũng tăng đột biến

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng, từ đầu năm đến nay, tại 11/15 quận, huyện của Hải Phòng đã ghi nhận có 59 trường hợp bệnh nhân bị sốt phát ban, nghi bị nhiễm khuẩn sởi Rubella. Trong số này có 13 trường hợp được xét nghiệm với kết quả dương tính với virut sởi, đã có nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi nặng. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh sởi  chiếm trên 53% số bệnh nhân bị mắc bệnh sởi. Từ độ tuổi 16 tuổi trở lên, số bệnh nhân chỉ chiếm 25% số người mắc bệnh.                                                                                                                                                                                    Ngọc Linh

Đọc thêm