Bắt buộc người dân tham gia BHYT
Tại buổi gặp gỡ báo chí, Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y Tế cho biết, "Luật hiện hành quy định từ ngày 01/01/2014 các đối tượng quy định trong Luật BHYT có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng chưa ”bắt buộc” tham gia BHYT và như vậy người dân không tham gia cũng không có chế tài xử phạt và rất khó để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện".
Bản chất của BHYT là sự chia sẻ rủi ro, số đông chia sẻ với số ít. Theo kinh nghiệm của nhiều nước thực hiện thành công BHYT toàn dân thì không có nước nào thực hiện được nếu không thực hiện bắt buộc và không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Dự thảo bổ sung lần này cũng sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng như hiện nay sẽ chia thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng và định hướng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình trước mắt được thực hiện với nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT để tránh tình trạng lựa chọn ngược, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT và không mang tính chia sẻ cộng đồng.
"BHYT hộ gia đình là con đường nhanh nhất để tiến tới BHYT toàn dân. Trong đó, các thành viên tham gia BHYT sẽ được giảm chi phí đóng. Người thứ hai trong hộ gia đình đóng bảo hiểm sẽ được giảm 30% số tiền mua thẻ. Trước đây, số tiền này chỉ được giảm 10%" - Bà Hương cho biết thêm.
|
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) đã chính thức công bố một số điểm mới trong dự thảo Luật bảo hiểm y tế |
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng khó kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung khái niệm: “Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế".
Thêm quyền lợi cho người dân tham gia BHYT
Trong dự thảo luật lần này, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ được nâng lên. Cụ thể, nâng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí KCB; Các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%. Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100% . Người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thẻ BHYT chỉ có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế sẽ được nới rộng cho đến khi trẻ đi học tiểu học. Những trẻ không có thẻ BHYT sẽ được BHYT thanh toán theo giấy khai sinh, người giám hộ.
Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục.
Đồng thời, để khắc phục tình trạng nhiều người bệnh dù bệnh nhẹ vẫn vượt tuyến lên tuyến trên KCB khiến nhiều bệnh viện tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải, trong dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định thanh toán chi phí KCB ở nước ngoài, đồng thời giảm tỷ lệ chi trả chi phí KCB vượt tuyến, trái tuyến tại các cơ sở KCB tuyến Trung ương từ 30% xuống 20%.