Các nhà làm luật còn “nợ” trẻ em

(PLO) - Những sự việc xảy ra gần đây như vụ cư dân mạng lập trang mạng xúc phạm Đỗ Nhật Nam, “ném đá” Quỳnh Anh thí sinh Vietnam’s Got Talent, bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức (TP HCM)… cho thấy trẻ em đã và đang là nạn nhân của một bộ phận người lớn.
Trong khi đó, về mặt pháp luật, trẻ em có quyền được sống trong sự nâng niu, tôn trọng của xã hội và được bảo vệ khỏi các hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự.
Những đứa trẻ bị bạo hành
Cho đến giờ phút này, dư luận vẫn chưa nguôi phẫn nộ khi xem video clip bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Những hình ảnh trong clip cho thấy, khi cho các bé ăn, hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý đã liên tục bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát vào mặt các em, mặc cho các bé khóc lóc, van xin. Trước đó, sự việc bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ hành hạ bé Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi đến chết đã làm nhiều người kinh hoàng.
Một trang Facebook được lập ra để nói xấu cậu bé Đỗ Nhật Nam 
Đỗ Nhật Nam (tác giả tác phẩm song ngữ Anh - Việt Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?) là một đứa trẻ thông minh. Nhưng, dù gì em vẫn là trẻ con không biết nói dối khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo rằng em thích đọc sách về chính trị, khoa học, tin học mà không thích đọc truyện tranh vì mẹ em cho rằng truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn”. 
Ngay khi clip đăng tải, đã có ít nhất 10 trang mạng được lập ra với nội dung là những lời lẽ, cách chèn hình ảnh xúc phạm em, gọi em là con sâu đục khoét tâm hồn Việt Nam (!), “Thánh đục” và lồng chân dung của em với những hình ảnh man rợ.
Quỳnh Anh, thí sinh trong thi cuộc thi Vietnam’s Got Talent cũng là một nạn nhân đáng thương của trào lưu “ném đá” trên mạng. Năm ngoái, lần đầu tiên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được đơn của một phụ huynh (là mẹ em Quỳnh Anh) đề nghị bảo vệ trẻ em trước sự xúc phạm của thế giới mạng. Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc họp gửi đơn đến các bên liên quan và xem xét trách nhiệm các bên. Thừa nhận của Bộ  cho thấy vấn đề mạng xã hội vô cùng phức tạp, không dễ gì có thể giải quyết được.
Đối với trẻ em, chỉ cần xảy ra một trong những vụ được nhắc tới trên đây cũng là điều kinh khủng. Nhưng trong thời gian gần đây, đã có hàng chục, hàng trăm vụ bạo hành thể xác và tinh thần trẻ em như vậy đã diễn ra. Hay nói cách khác, phải chăng trẻ em đang trở thành “vật tế thần” của các thói xấu bạo hành, đố kỵ, ghen ghét…
Luật có thực sự bảo vệ được trẻ em?
Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước trẻ em, nên chuyện luật pháp Việt Nam có quan tâm đến trẻ em hay không, thiết nghĩ không cần thiết phải bàn. Nhìn lại hệ thống pháp luật, Việt Nam có Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành lần đầu tiên năm 1991 và được sửa đổi vào năm 2004.
Theo kết quả rà soát các văn bản luật hiện hành, bên cạnh Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, còn có tới 22 đạo luật có liên quan đến quyền trẻ em như: Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật Khám chữa bệnh; Luật Xử lý vi phạm hành chính... 
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các Điều ước quốc tế - được coi là nguồn pháp luật quan trọng giúp cho việc tổ chức, thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhiều luật như vậy, nhưng luật có thực sự bảo vệ được trẻ em hay không vẫn luôn là câu hỏi đầy bức xúc.
Hình ảnh những đứa trẻ bị hạnh hạ dã man tại nhà trẻ Phương Anh khiến công đồng phẫn nộ 
Theo ông Đặng Đức San – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đề cập đến 10 nhóm quyền trẻ em, nhưng các quy định về quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em, các hành vi nghiêm cấm, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em vẫn mang tính định hướng, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, dẫn đến nhận thức và việc tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn. 
“Không ít địa phương, việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn nặng về hình thức, chỉ rầm rộ ra quân trong Tháng Trẻ em” - ông Đặng Đức San nói.
Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thi hành luật này vẫn chỉ hướng vào xử lý những hành vi xâm phạm truyền thống: ngược đãi, hành hạ, cản trở việc học tập…, mà “bỏ quên” trẻ em đã và đang là nạn nhân khốn khổ của hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm.
Nghị định số 91/NĐ-CP/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng chỉ đưa ra mức xử phạt cho hành vi dùng lời nói, hành động có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm “đối với trẻ em vi phạm pháp luật” với mức phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Hình như, trong mắt các nhà làm luật, chỉ có những đứa trẻ “vi phạm pháp luật” mới bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, còn  trẻ em bình thường thì không. Trong khi đó vụ việc của Đỗ Nhật Nam, Quỳnh Anh đã chứng minh điều ngược lại…. 
Làm gì để pháp luật không bất lực?
Hiện nay, dự án sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được thực hiện. Để pháp luật không bất lực trong việc bảo vệ trẻ em đó là mong muốn của nhiều bên trong lần sửa luật này.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam thường có tình trạng luật nhiều nhưng quy định mang tính nguyên tắc, cần nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, gây hạn chế trong quá trình thi hành. Các VBQPPL liên quan đến trẻ em cũng không ngoại lệ. Chính vì thế nên, việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của Luật hiện hành đã không còn phù hợp thể hiện qua quy trình điều phối, phối hợp các hoạt động bảo vệ trẻ em từ các khâu phòng ngừa, phát hiện, can thiệp đối với trẻ em nói chung, trẻ em có nguy cơ và hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa rõ ràng, đồng bộ.
TS. Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, khi sửa đổi bổ sung Luật cần phải bổ sung dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ, trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng. Vì trong thực tế, đã có một số nội dung mới so với quy định trong luật hiện hành cần được cập nhật như: hệ thống bảo vệ trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế, tư pháp thân thiện, công tác xã hội trẻ em…
Đặc biệt, trên thế giới, một số nước đã có cơ quan độc lập là người đại diện cho trẻ em, nhưng ở Việt Nam khái niệm này còn rất mới, trong lần sửa đổi luật lần này cũng nên xem xét về việc quy định thành lập cơ quan này. 
Ông Đặng Đức San – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng đã đến lúc cần quy các quy định đề cập đến nhóm quyền trẻ em về một mối vì hiện nay, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em mới chỉ đề cập đến 10 nhóm quyền trẻ em, các quyền còn lại được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật khác, trong khi Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định khoảng 28 nhóm quyền….

Tựu trung lại, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB& Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cần bổ sung thêm những quy định về bảo vệ trẻ em, nhằm tăng khả năng phòng, ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; quy định rõ các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp bị xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; bổ sung quy định cụ thể về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các cơ sở trợ giúp trẻ em.

Bà Lotta Sylwander - Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam cho biết, Unicef đề nghị một số vấn đề cần được xem xét đưa vào Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi lần này như: độ tuổi của trẻ trong luật cần được áp dụng theo Công ước quốc tế là dưới 18 tuổi; cần công nhận quyền bảo vệ trẻ em là dành cho tất cả trẻ em, không chỉ dừng lại các nhóm cụ thể được xác định trong các văn bản luật; chuyển đổi phương thức dựa trên các chế tài sang phương thức lấy trẻ em làm trung tâm để hướng tới xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em; xây dựng một khung về quan sát và đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Tổ phó Tổ Biên tập sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật hiện hành đã có quy định mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em đều bị xử lý nhưng luật không lường hết được những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế cuộc sống, như hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em từ cộng đồng mạng chẳng hạn.
Do vậy, trong lần sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này sẽ nêu cụ thể như thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em. Bên cạnh quy định hành vi, luật cũng sẽ phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật nữa. Có như vậy mới mong xử lý nghiêm được những hành vi tương tự.

Đọc thêm