Linh thiêng đêm đập trống giữa rừng di sản
Hàng năm, cứ vào đêm rằm 16 tháng Giêng (Âm lịch), tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Lễ hội Đập trống truyền thống của người Ma Coong sẽ được khai hội. Đây là lễ hội đặc biệt, mang âm hưởng vừa thiêng liêng vừa phồn thực có tự bao đời nay và được xem là một cái Tết khác của cộng đồng dân tộc này, ngoài Tết Nguyên đán truyền thống của người Việt.
Vào đêm trăng sáng nhất tháng Giêng, lúc ánh trăng vừa ló rạng sau đỉnh núi, cũng là lúc gái trai, già trẻ người Ma Coong sống ở khắp 18 bản trên miền biên viễn Việt – Lào này, trong những bộ váy áo đẹp nhất đã tề tựu đông đủ ở bản Cà Roòng. Sự kiện này cũng thu hút rất đông đồng bào các dân tộc khác ở các vùng lân cận, các bản biên giới nước bạn Lào và du khách thập phương về dự hội.
Theo truyền thuyết của người Ma Coong, ngày xưa vùng đất của họ đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, phá lúa và cây trái của bà con. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, đau ốm triền miên. Họ tìm đủ mọi cách khác nhau để đuổi khỉ ác nhưng dường như bất lực.
Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, vị già bản lớn tuổi, uy tín nhất của đồng bào đã nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống thật chắc, tiếng thật vang vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất, khi khỉ ác về phá mùa màng.
Ngay hôm sau, đàn ông người Ma Coong khẩn trương hoàn thành ngay một chiếc trống chắc đẹp, âm thanh to ấm, vang xa tận sâu trong lòng núi đá vôi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Chờ khỉ đến đúng giờ trăng sáng nhất đêm rằm 16, thanh niên mang trống ra thay nhau đánh, khỉ ác hoảng sợ bởi tiếng trống nên trốn khỏi vùng đất này và từ đó không bao giờ trở lại nữa.
Để tưởng nhớ vị già bản tiên tổ người Ma Coong, đền đáp công ơn của Giàng, những của ngon vật lạ, tinh tuý nhất của đất trời đại ngàn Trường Sơn được lựa chọn, bày biện làm lễ cúng tế linh đình vào đêm rằm 16 tháng Giêng hàng năm.
Già làng người Ma Coong thực hiện lễ cúng tế Giàng và vị Già bản tiên tổ. |
Sau lễ tế, người già làng uy tín nhất trong cộng đồng người Ma Coong sẽ tuyên bố khai hội cũng là lúc tiếng trống mở màn vang lên vào kéo dài mãi dưới ánh trăng rằm soi tỏ, âm vọng vẳng xa khắp núi rừng hùng vĩ.
Người Ma Coong tề tựu bên những ché rượu cần, mời mọc chúc tụng nhau… Chiếc trống hội treo giữa cái sân lớn nhất của bản Cà Roòng được trai tráng, già trẻ dùng dùi (làm bằng thân cây mây rừng) thay nhau đánh vào mặt trống theo tiếng chiêng của người dẫn nhịp, vừa đánh vừa hô vang: “Roa lữ! Roa lữ Giàng ơi!” (Vui sướng quá! Vui sướng quá Trời ơi! - PV).
Từ lễ tế cho đến hoạt động đập trống của người Ma Coong đều mang một ý niệm là cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, bản làng được bình yên, ấm no, hạnh phúc. Đến khi mặt trống bị đánh vỡ thì đêm hội kết thúc, đồng bào chia tay nhau trở về cuộc sống thường nhật và hẹn hò nhau mùa hội năm sau. Đặc biệt, người đánh vỡ được mặt trống được xem là người may mắn nhất trong năm.
Đặc biệt trong đêm hội này, trai gái người Ma Coong, dù có gia đình hay chưa, không phân biệt lạ quen, ở nơi đâu đến đều được hò hẹn, dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Sau mỗi mùa lễ hội, rất nhiều cặp nam thanh nữ tú của đồng bào Ma Coong đã thành đôi, nên duyên chồng vợ…
Tết độc lập trên quê hương Đại tướng
Cứ vào dịp hạ tuần tháng 8 hàng năm, đất và người quê hương của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) như dang rộng lòng ra để đón chào những đoàn khách, những người con xa xứ trên khắp mọi miền trở về quê hương để cùng sum vầy, đón Tết Độc lập và dự Lễ hội Đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (tổ chức vào ngày 2/9 hàng năm).
Ở quê hương xứ Lệ này, từ cụ già móm mém răng đen cho đến trẻ học sinh tiểu học cũng thuộc nằm lòng và đọc lanh lảnh tứ thơ lục bát:
“Dù ai đi Tây, về Đông
Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”
Lệ Thủy là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng của tỉnh Quảng Bình. Mảnh đất này cũng là nơi sản sinh, nuôi dưỡng ý chí cách mạnh kiên trung của người Anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà lãnh đạo quân sự tài ba, kiệt xuất - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013). Người cũng là vị Tổng Tư lệnh Quân đội đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ giữa tháng 8, khắp các làng quê xứ Lệ đã ắp đầy không khí vui tươi, rực rỡ của biểu ngữ, cờ hoa. Trong mỗi nếp nhà nơi đây, bà con đều đã chuẩn bị chu đáo cho Tết Độc lập với nhiều sản vật đặc trưng của miền quê thanh bình, trù phú này. Đêm 1/9 như lệ thường, bà con thành kính đặt bày mâm ngũ quả, bánh trái dâng lên bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng…
Gác lại những ngày lao động vất vả, người dân Lệ Thuỷ náo nức chuẩn bị cho những hội thao tranh tài mừng Tết Độc lập như: thi đấu bóng chuyền, bóng đá, liên hoan văn nghệ, hò khoan Lệ Thủy… Nổi bật và độc đáo nhất trong các hoạt động mừng Tết Độc lập ở quê hương này là Lễ hội Đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Đây là lễ hội văn hóa thể thao cấp tỉnh được tổ chức thường niên từ năm 1946 cho đến nay và vòng chung kết được ấn định vào ngày Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam 2/9.
Kiến Giang dậy sóng thuyền đua tranh tài. |
Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết về lễ hội đua thuyền xưa tại đất Khang Lộc (vùng đất 2 huyện: Lệ Thủy và Quảng Ninh ở Quảng Bình ngày nay): “Những năm ít mưa, thổ dân nơi đây mở cuộc đua thuyền, liền được mưa ngay”. Và lễ hội đua thuyền này đã tồn tại ở vùng đất “hai huyện” hơn 500 năm qua. Trải bao biến thiên bể dâu của lịch sử, lễ hội này đã có lúc lắng trầm xuống.
Đến ngày 2/9/1946, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn 1 tuổi, nhân dân Lệ Thủy mừng Tết Độc lập và tổ chức Lễ hội Đua, bơi thuyền quy mô cấp huyện. Từ đó trở đi, lễ hội này được tổ chức thường niên vào dịp Quốc khánh 2/9 và trở thành món ăn tinh thần, nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Lệ Thuỷ cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc và luyện rèn sức trai, sức gái để chế ngự thiên nhiên, sẵn sàng chống chọi với mùa mưa bão đang đến gần.
Để chuẩn bị cho lễ hội, các làng phải có được những nghệ nhân “bắt đò đua giỏi”, có bí quyết gia truyền về nghề đóng thuyền bơi (thuyền nam) cũng như thuyền đua (thuyền nữ). Các tay chèo của đội đua, dù là nam hay nữ, phải được tuyển chọn kỹ càng từ những người khỏe nhất trong vùng, dẻo dai và dạn dày sông nước.
Từ đầu tháng 8, những âm thanh nhịp nhàng của các thuyền đua bơi tập luyện đã vang vọng trên dòng Kiến Giang, tiếng mõ phách, tiếng bắt nhịp chèo “hô lên, hô lên” hào sảng…
Thanh niên người Ma Coong thi nhau đập trống đuổi khỉ ác cầu mưa thuận gió hòa, sống no đủ, hạnh phúc. |
Đúng sáng Quốc khánh, nghìn nghịt người, xe đổ về trung tâm huyện lỵ. Hai bên bờ Kiến Giang rợp cờ hoa, biểu ngữ, người đông chật kín, mặt ai ai cũng hiện lên nét rạng ngời và bắt đầu cổ vũ cho lễ hội. Mặt sông Kiến Giang dậy sóng bởi nhịp chèo đua, khua nước.
Đất và người xứ Lệ bừng lên một không khí lễ hội đặc trưng của vùng quê lúa thanh bình. Tiếng hò liên tiếp như dội vang vào sâu trong các làng xóm bên sông: “Lên hô lên! Hô lên”. Cứ theo nhịp, hàng chục tay chèo đẩy mái chầm vục xuống nước đều răm rắp, thuyền đua như con rồng nước cuộn mình băng lên…
Trải qua hàng ngàn năm, người dân vùng sông nước Kiến Giang gắn bó với dòng Kiến Giang quê hương xứ Lệ. Từ lao động mà kết tinh nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền. Những người dân dung dị, hiền hòa nơi quê hương Đại tướng đã có một cái Tết hòa cùng đất nước, dân tộc trọn vẹn trong ngày vui Độc lập. Làng bạn, quê mình tranh tài phải có người thắng, kẻ thua nhưng rồi ai cũng hân hoan trong một niềm vui lớn, niềm vui ngày đoàn viên Tết Độc lập…