Cảm động với những người con hiếu thảo

(PLVN) - Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Phật đã dạy trong kinh “Đảnh lễ sáu phương”: Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần; Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc; Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình; Giữ gìn tài sản của cha mẹ; Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già; Lo tang lễ mẹ cha đúng phong tục khi cha mẹ qua đời; Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát; Chánh kiến đến cho cha mẹ.
Những người con vượt qua mọi khó khăn, cực khổ luôn làm tròn đạo hiếu.

Chuyện xưa, chuyện nay

Theo “Lĩnh Nam Chích Quái” của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Vi Vân tại Chử Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố che thân phải thay nhau mà mặc.

Lúc già ốm, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn. 

Tự Đức có lẽ là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử. Năm đó, vua đi săn, chẳng may gặp lụt bất ngờ, không kịp về lo liệu ngày kỵ của tiên hoàng Thiệu Trị. Nhà vua hiếu thuận vội vàng đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là Thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn.  Hành động của ông nhắc nhở người đời rằng, phận con luôn phải đặt chữ hiếu làm đầu.

Trong xã hội thời @, có không ít tấm gương hiếu thảo gây xúc động cho cộng đồng. Chị Bùi Kim Cúc sinh năm 1961, ngụ tại phường Thanh Xuân (quận 12, TP Hồ Chí Minh) nổi tiếng vì tấm lòng hiếu thảo. Mẹ già đau yếu, chị không lập gia đình mà ở vậy chăm mẹ. Theo chị, người già thì lại rất sợ cô đơn, thế nên chị muốn dành hết tuổi xuân để chăm lo cho mẹ. Đối với chị niềm vui chính là nhìn thấy mẹ vui khỏe. 

Nữ thương binh Nguyễn Thị Sâm bị liệt cả hai chân không di chuyển được. Thương mẹ, người con trai bà là anh Tôn Hòa Thuận (57 tuổi, quận 5, TP Hồ Chí Minh đã đảm nhận tất cả những phần việc chỉ dành cho phụ nữ.

Từ việc tắm rửa, vệ sinh, đút ăn, chải đầu... cho mẹ, tất cả đều do anh Thuận đảm đương. “Tôi muốn tự mình chăm mẹ đến trăm tuổi và mong được mang hoa hồng đỏ trong mỗi mùa Vu lan càng lâu càng tốt” - anh Thuận bộc bạch.

Gương anh Liêu Vũ Linh (SN 1989, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) khiến nhiều người cảm phục khi bản thân anh khuyết tật do ảnh hưởng chất độc đi-ô-xin, mù 2 mắt, nhưng luôn phấn đấu để tự lập thành công trong cuộc sống. Anh chọn học nghề đánh đàn và trở thành người đánh nhạc thuê cho đám tiệc.

Đồng thời anh còn học nghề se nhan để chia sẻ gánh nặng gia đình. Anh còn phụng dưỡng mẹ già hơn 70 tuổi. Anh Linh chia sẻ: “Mỗi khi đi làm về, tôi luôn dành thời gian trò chuyện với mẹ, quan tâm đến sức khỏe của mẹ, không để mẹ cảm thấy cô đơn. Tôi luôn cố gắng làm mẹ vui và yên tâm sống cùng con cháu”.

Hiện tại, anh Linh đã có gia đình với 2 con nhỏ, vợ anh cũng làm công nhân cho một công ty thủy sản tại địa phương. Anh Linh từng đạt giải độc tấu (Ronet-Ek) trong liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ 3 năm 2011 do Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tổ chức.

Thiếu may mắn, chị Lê Thị Phước Tâm lấy phải người chồng không có trách nhiệm. Cuộc hôn nhân chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, khi con gái được hơn 1 tuổi chị Tâm ôm con về nhà mẹ đẻ ở ấp 4, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) sinh sống.

Chị Lê Thị Phước Tâm (ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) xoa bóp chân cho mẹ mỗi khi trái gió, trở trời.

Bản thân chị Tâm là nạn nhân chất độc da cam, đầu bị móp, mắt bên phải không nhìn rõ, sức khỏe yếu hơn người bình thường... 1-2 năm đầu mới về với mẹ, chị đi làm ở cơ sở tư nhân để kiếm tiền nuôi con. Chị Tâm cho biết khoảng gần 10 năm nay sức khỏe mẹ chị suy yếu, bệnh gan, phổi, thiếu máu não, thần kinh “đua nhau trỗi dậy”, vết thương vì mảnh bom đạn năm xưa cũng đau nhức thường xuyên.

Cuộc sống của gia đình anh trai và chị gái cũng khó khăn nên từ ngày mẹ đổ bệnh, chị Tâm nghỉ làm ở nhà chăm mẹ, rảnh thì đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Tháng nào mẹ khỏe, chị đi làm nhiều thì kiếm được gần 3 triệu/tháng, nhưng có tháng lại không có đồng nào - đó là thời điểm mẹ chị nằm viện gần cả tháng, chị phải theo chăm sóc.

Đáng buồn hơn, cô con gái 13 tuổi bị động kinh phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Khó khăn nhiều khi bóp nghẹt cuộc sống, nhưng rồi tình thương và trách nhiệm đã tiếp thêm nghị lực để những đứa con như chị Tâm vươn lên làm tròn bổn phận, đạo hiếu của mình.

Vượt mọi khó khăn, giữ gìn đạo hiếu

Đáng trân trọng hơn là những người con dâu, con nuôi tận tụy chăm sóc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi như chính cha mẹ ruột của mình. Hay như trường hợp của chị Ngô Thị Phương Kiều, sinh năm 1985, trú tại Ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ), chồng mất một mình chị tảo tần chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi hai đứa con còn nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học.

Để có thể lo cho cha mẹ chồng và hai đứa con, chị vừa dậy sớm bán quán ăn vừa gia công giấy tiền vàng bạc. Không nề hà khó khăn, vất vả, chị cố gắng hết sức mình để không làm buồn lòng ba mẹ già yếu. Bản thân chị luôn quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ chồng và tranh thủ những lúc ngơi tay lại chăm sóc sức khỏe ông bà trong lúc ốm đau, bệnh tật.

Từ ngày người chồng bỏ nhà đi làm ăn xa, chị Phùng Thị Ngọc (quận Tân Bình. TP Hồ Chí Minh) một mình “gánh” cả hai gia đình nghèo khó. Là điều dưỡng viên, hàng ngày chị Ngọc vừa phải hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa chăm sóc 3 người ốm, gồm mẹ chồng (90 tuổi, bị bại liệt nằm một chỗ), mẹ ruột (gần 90 tuổi, thường xuyên đau ốm) và người chị chồng hơn 60 tuổi bị thiểu năng trí tuệ.

Thêm vào đó là trách nhiệm của người mẹ đối với 4 đứa con thơ dại, trong đó có một đứa bị bệnh tự kỷ. Không ít lần chị Ngọc gục ngã, nhưng tình thương và sự thảo thơm đã khiến chị gạt nước mắt và đứng dậy, tận dụng tất cả quỹ thời gian của mình để chăm sóc gia đình, chăm sóc hết cả những người bên gia đình chồng.

Những người con đã vượt qua khó khăn để chăm sóc, phụng dưỡng tốt cha mẹ, làm tròn bổn phận, trách nhiệm đối với đấng sinh thành, góp phần giữ vững những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam ”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một trong những giá trị sâu sắc khiến đạo Phật đi vào đời sống con người, tạo nên sức mạnh cho dân tộc đó chính là đạo hiếu. Ngày nay đạo hiếu không chỉ là báo hiếu đối với cha mẹ mà là cả đối với chúng sinh. Đạo hiếu có sức sống rất mạnh mẽ, mang giá trị nhân văn, nhân bản của thời đại.

 Người Việt, con cái hiếu thảo với cha mẹ vẫn chiếm số đông. Có nhiều Việt kiều sống nơi đất khách dù cực khổ nhưng vẫn tiết kiệm từng đồng gửi về cho cha mẹ ở quê nhà. Hay có nhiều em công nhân ở các khu chế xuất, làm việc rất vất vả nhưng hằng tháng đều gửi tiền gửi về giúp đỡ cha mẹ ở quê. 

Tuy nhiên, xã hội ngày nay cũng có nhiều đứa con đòi hỏi quá nhiều ở cha mẹ, chưa kể có trường hợp cha mẹ bị con cái bạo hành… GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch cho hay: “Đạo hiếu phải được bảo vệ còn nếu ai không tự giác thì phải điều chỉnh bằng luật đó là nguyên tắc. Còn việc làm sao để trọn vẹn đạo hiếu thì còn là chuyện giáo dục đạo hiếu như thế nào. Đúng là trong bối cảnh ngày nay vì điều kiện kinh tế - xã hội thì cách thể hiện đạo hiếu có khác xưa nhưng xã hội vẫn không thể chấp nhận những đứa con bất hiếu”. 

Đọc thêm