Cần có chế định cụ thể về ly thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các chuyên gia pháp luật cho rằng cần xây dựng một chế định về ly thân trong Luật Hôn nhân và Gia đình để đảm bảo quyền lợi về nhiều mặt không chỉ cho vợ, chồng mà còn cho những người liên quan, góp phần giảm thiểu những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân

Theo Luật sư Nguyễn Quang Huy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều cặp vợ chồng có sự rạn nứt trong mối quan hệ hôn nhân và đã chọn cách sống ly thân mà không thực hiện thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật về hôn nhân, gia đình của nước ta hiện không có quy định cụ thể khái niệm ly thân.

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3, khoản 1 Điều 57, Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 thì có 3 trường hợp để xác định quan hệ hôn nhân chấm dứt: bản án, quyết định ly hôn của tòa; Vợ hoặc chồng chết; Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng đã chết.

Như vậy, từ căn cứ nêu trên, việc ly thân hiện nay không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Khi ly thân, vợ chồng vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.

Luật HN&GĐ 2014 cũng có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân. Theo đó, vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.

Cần có chế định về ly thân

Cũng theo Luật sư Huy, vì ly thân là một vấn đề tồn tại trên thực tế ở nước ta nên việc điều chỉnh pháp luật về ly thân là cần thiết để tránh dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý phức tạp khác nhau. Đồng thời, xây dựng chế định ly thân cũng tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ly hôn.

Trong đời sống vợ chồng, khi có những lý do chính đáng và trong những hoàn cảnh nhất định, vợ, chồng có thể muốn sống riêng và muốn đối phương tôn trọng quyền được sống riêng của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ trên cơ sở thỏa thuận của vợ chồng thì có thể không đạt được mục đích sống riêng, do đó quyền sống riêng của một hoặc hai bên sẽ không được thực hiện trên thực tế.

Công nhận ly thân sẽ giúp vợ chồng có thêm hướng giải quyết mâu thuẫn và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bên yếu thế. Do đó, nếu có chế định ly thân, pháp luật sẽ bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự. Mặt khác, khi vợ chồng thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi ly thân thì cũng không được trái với nguyên tắc cơ bản của chế định này.

Cùng quan điểm, Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú, Giám đốc công ty Luật TNHH Thái Hà cho rằng, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Tòa án không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện của đương sự vì lý do pháp luật không quy định. Khi áp dụng quy định này, nếu pháp luật không điều chỉnh về ly thân sẽ làm phát sinh hiện tượng xét xử không thống nhất giữa các địa phương, có thể xảy ra việc cùng một tình tiết, nội dung vụ án về ly thân nhưng các tòa án xét xử không thống nhất khi giải quyết ly hôn.

Luật sư Tú cũng cho biết, chế định ly thân sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên vợ chồng khi sống riêng đối với gia đình, con chung và người thứ ba, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh khi vợ chồng sống ly thân. Khi ly thân, vợ chồng không chỉ đứng trước khó khăn là phải giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng trước đó, mà còn phải đối mặt với những tranh chấp mới có thể phát sinh. Vì vậy, pháp luật cần dự liệu những tranh chấp có thể phát sinh khi vợ chồng ly thân. Từ đó, xác định rõ quyền, nghĩa vụ mỗi bên, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của con chung, bên thứ ba và xã hội.

Đọc thêm