Sau khi đất nước thống nhất, để phục vụ cho công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước, ngày 19/1/1976, Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập cảng Quy Nhơn trên cơ sở một cảng quân sự phục vụ chiến tranh của chế độ cũ để lại. Trang thiết bị, kho tàng, nhà cửa, công cụ sản xuất của cảng trong những ngày đầu hầu như không có gì.
Sau khi chuyển đổi cơ chế hoạt động từ năm 1990, đặc biệt giai đoạn từ 2010, cảng Quy Nhơn đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 4,5 triệu tấn, vượt hơn gấp đôi công suất thiết kế, đến năm 2015 đã đạt 7,5 triệu tấn.
Với vị trí địa lý thuận lợi, luồng tàu có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30 nghìn tấn cập cảng và tàu 50 nghìn tấn giảm tải. Cảng Quy Nhơn đang giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông…
Năm 2019 - năm đầu tiên sau khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC tiếp nhận lại, sản lượng hàng thông qua cảng đã tăng mạnh lên tới 9,1 triệu tấn (tăng trưởng hơn 9% so với năm 2018). Năm 2020, sản lượng đạt mốc kỷ lục 11 triệu tấn (tăng gần 32% so với thời điểm 2018).
Lợi nhuận năm 2020 của cảng Quy Nhơn đạt 146 tỷ đồng (tăng hơn 21% so với năm 2018) trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 404 tỷ đồng. Cảng Quy Nhơn cũng là một trong những cảng biển khai thác cầu bến hiệu quả nhất (với 820m cầu, hiệu suất khai thác trong năm 2020 của cảng lên tới 2.500 tấn/m - gấp 5 lần công suất thiết kế).
Tấn hàng thứ 11 triệu thông qua cảng Quy Nhơn năm 2020. |
Trong năm 2020, cảng Quy Nhơn đã khai trương tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ cảng đi các nước khu vực Đông Bắc Á, nhằm kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với tần suất khai thác trung bình 1 tuần/1 tàu. Cảng đã góp phần vào việc kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Định đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2020.
Với số lượng lao động hơn 800 người, năng suất lao động bình quân tại cảng Quy Nhơn đã tăng đáng kể với 82 tấn/người/ca, tăng 21% so với năm 2019. Thu nhập bình quân của người lao động cũng đã đạt mức 15,2 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh Bình Định cũng được cảng Quy Nhơn hết sức chú trọng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động. Nộp ngân sách địa phương của cảng năm 2020 đạt 65,7 tỷ đồng.
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90ha (gấp 3 lần hiện nay). Cảng tập trung đầu tư nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất để mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.
Với những kết quả đã đạt được trong 45 năm qua, cảng Quy Nhơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì…