Cảnh sát biển cần đấu tranh linh hoạt, giữ vững hòa bình

(PLVN) - Trung tướng Nguyễn Tân Cương -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị lực lượng cảnh sát biển nắm chắc tình hình trên biển, tham mưu kịp thời với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để xử lý kịp thời, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động bất ngờ, không để mâu thuẫn, tranh chấp phát triển thành xung đột vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị.

Hôm qua (5/1), Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam giai đoạn 2015-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh”

Báo cáo tổng kết và các tham luận tại hội nghị đã khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan…

Bộ Tư lệnh CSB đã tích cực, chủ động bám sát mục tiêu, nội dung Đề án; triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án giai đoạn 2015-2020; đặc biệt là về công tác tổ chức lực lượng, điều chỉnh tổ chức, biên chế, bảo đảm vũ khí trang bị. Các dự án trong Đề án được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm cho lực lượng CSB hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, cứu hộ, cứu nạn trên biển và giao lưu với CSB các nước.

Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Bộ Tư lệnh CSB thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh, mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, phương án phù hợp với tình hình cụ thể trên biển; duy trì lực lượng ứng trực trên biển; kiên quyết, kiên trì bám, nắm, đấu tranh linh hoạt trên thực địa...

Trong công tác đối ngoại, lực lượng CSB thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, coi trọng mở rộng mối quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực.

Kết quả công tác đối ngoại của CSB Việt Nam góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong việc đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải, phát huy sức mạnh quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Hội nghị xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng CSB theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ các hoạt động kinh tế biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân, ngư trường, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) của ngư dân Việt Nam.

Đủ khả năng xử lý các tình huống phức tạp nhất trên biển

Biểu dương Bộ Tư lệnh CSB và các cơ quan của Bộ Quốc phòng đã nỗ lực thực hiện tốt Đề án, Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Đề án Xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2015-2020 là đề án lớn, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy thời gian tới, Bộ Tư lệnh CSB cần tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành các mục tiêu còn lại của Đề án; xác định đến năm 2030, lực lượng CSB hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, khoa học để xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, quan tâm đến các yếu tố chi phối tình hình trong bối cảnh Biển Đông và vùng biển Tây Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tình hình tội phạm vi phạm trên biển ngày càng tinh vi...

Trước bối cảnh đó, lực lượng CSB cần chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình trên biển, tham mưu kịp thời với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về các chủ trương, đối sách để xử lý kịp thời, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động bất ngờ, không để mâu thuẫn, tranh chấp phát triển thành xung đột vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu lực lượng CSB cần chú trọng đào tạo, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó đặt ra yêu cầu cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển phải đủ khả năng xử lý các tình huống khó nhất, phức tạp nhất trên biển. 

Lực lượng CSB tiếp tục nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm trên biển; tăng cường hợp tác quốc tế; thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để cán bộ, chiến sĩ bị các lực lượng khác móc nối, mua chuộc, từ đó tiếp tay, làm ngơ, bao che cho các loại tội phạm vi phạm; kiên quyết xử lý các cán bộ, chiến sỹ vi phạm để làm trong sạch lực lượng.

Đọc thêm