Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mới 6 tuổi thì bố đã mất trong một tai nạn, lúc đó người em trai là Nguyễn Tuấn Hùng mới được 4 tháng tuổi. Nỗi mất mát lớn lao đó dường như hai anh em Hùng và Kiệt vẫn chưa thấu hiểu được cho đến những ngày lớn lên.
Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1976 – mẹ Kiệt) đã một mình nuôi hai con khôn lớn bằng tất cả những nổ lực của bản thân. Chồng mất sớm, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người phụ nữ mới gần 30 tuổi khiến chị già hơn trước tuổi.
Cậu học trò mồ côi bố Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ "bí kíp" học tập |
Ngoài 3 sào ruộng có được, chị Lan một mình cày cuốc để đủ ăn, chị còn mượn thêm của bà nội 3 sào ruộng để làm mùa, hy vọng có thể bán được chút lúa gạo mỗi khi con cần tiền nộp học. Hết mùa chị lại làm thuê cho một vườn ươm trong xóm, mỗi tháng nếu đủ công 30 ngày thì cũng được 3 triệu đồng tiền công, nếu bận thì chỉ có khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu/tháng.
Còn với hai anh em Kiệt, hết giờ học trên lớp về nhà nấu nướng chờ mẹ về ăn trưa, buổi chiều có việc đồng áng nặng nhọc thì cũng tham gia đi làm với mẹ. Còn những lúc rảnh rỗi thì đem sách vở ra để học bài. Có mặt tại ngôi nhà nhỏ cả ba mẹ con Kiệt tại xóm 12 xã Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) chị Lan đang đi làm tại vườn ươm. Kiệt đang chỉ cho em trai học toán, tranh thủ cho bò và dê trong chuồng ăn.
Gia đình hoàn cảnh, đến nỗi chiếc bàn ăn cũng được tận dụng làm bàn học, mẹ sắm thêm chiếc bàn xếp để em trai ngồi học trên giường, "Nhiều đêm thấy con cặm cụi ngồi từ 7h tối đến 1-2h sáng chưa chịu đi ngủ cũng thấy lo lắm, sợ nó đổ bệnh không có sức để theo học nữa. Nghe mẹ nói Kiệt lại lên giường nằm ngủ, sáng mai đúng giờ lại dậy đến trường không phải gọi tiếng mô", chị Lan kể.
Ngoài giờ học thì những việc trong gia đình đều do hai anh em tự phân công nhau làm |
Theo chị Lan thì trước thời điểm thi vài tháng, Kiệt xin tiền mẹ để vào Vinh mua tài liệu tham khảo, hai mẹ con chở nhau vào hiệu sách thành phố mua. Sau đó thêm một lần cần tài liệu để học thêm tại nhà, Kiệt xin tiền mẹ rồi bắt xe bus vào tự mua sách về nhà học.
Được biết, tại trường Kiệt học khá toàn diện, giỏi đều ở các môn, nhiều năm liên tục Kiệt dẫn đầu lớp về thành tích học tập và đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi như Giải ba môn Sinh học cấp tỉnh năm lớp 9; giải ba môn Sinh học cấp tỉnh lớp 11...
“Trước kỳ thi Kiệt nó cứ hỏi, con mà không đậu được trường quân sự thì có được học trường ngoài không mẹ ?, Tui cứ động viên con cố gắng học hành đi, đậu trường mô học trường đó, nhưng tui biết nó chỉ thích trường quân sự để mẹ đỡ phải nuôi ăn học thôi. Vừa qua thi tốt nghiệp xong thì mẹ động viên đưa vào TP.Vinh mua cho chiếc điện thoại di động để liên lạc với bạn bè ”, chị Lan kể.
Chia tay cậu học trò nghèo nỗ lực, cậu bé lại chạy ra chuồng bò xem bò đã có nước uống chưa, rồi lại ngồi vào bàn chỉ cho cậu em trai đang học bài. Chúc cho cậu học trò đầy nghị lực, người sỹ quan hậu cần tương lai của đất nước sẽ có thêm nhiều thành quả trong con đường phía trước.