Chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn tăng vượt bậc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh Lạng Sơn đạt 63,92 điểm (tăng 1,49 điểm), tăng 13 bậc so với năm 2020, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 6/14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số PCI năm 2022.

Theo báo cáo kết quả Chỉ số PCI năm 2021 do VCCI công bố, năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh Lạng Sơn đạt 63,92 điểm (tăng 1,49 điểm), tăng 13 bậc so với năm 2020, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 6/14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Trong 10 chỉ số thành phần, có 05 chỉ số thành phần tăng điểm và tăng bậc: Tính năng động của chính quyền tỉnh, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; có 01 chỉ số thành phần tăng điểm nhưng giảm bậc: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; có 03 chỉ số giảm điểm và giảm bậc: Tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, chi phí gia nhập thị trường; có 01 chỉ số giảm điểm nhưng tăng bậc: Đào tạo lao động.

Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất những giải pháp để cải thiện chỉ số PCI. Trong đó, có những nội dung liên quan đến việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn, tạo mặt bằng, đất đai, hoàn thiện các thủ tục hành chính theo quy định...

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, Lạng Sơn luôn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Để cải thiện và nâng cao thứ hạng PCI của Lạng Sơn trong năm 2022, ông Hồ Tiến Thiệu cho biết tỉnh này đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó cần xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng chỉ số thành phần, đồng thời, xác định rõ mục tiêu cần đạt được, lộ trình thực hiện trong việc cải thiện các chỉ số thành phần.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Đọc thêm