Hợp đồng miệng không có thực vẫn là chứng cứ
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiên và chị Phan Thị Tới (cư ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thới, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) được cha mẹ cho 2,435 công đất vườn, thổ cư và được xã cấp 2,5 công ở ấp Tân Quý.
Năm 1980 xã Tân Thới đã thu 2,5 công đất của gia đình bà Huỳnh Thị Năm ở cạnh nhà anh chị (do gia đình bà Năm có ba người đi vượt biên trái phép) để cấp cho ông Võ Văn Thìn (thương binh ở ấp Tân Quý, xã Tân Thới) canh tác. Do ông Thìn đi lại khó khăn, chính quyền địa phương vận động anh Tiên, chị Tới đổi 2,5 công đất ở Tân Quý cho ông Thìn và nhận 2,5 công của ông Thìn ở cạnh nhà.
Đến cuối năm 1990, gia đình bà Năm muốn lấy lại số đất đã bị thu hồi nên dựng chuyện mua bán đất giữa bà với vợ chồng anh Tiên rồi “vận động” hai cán bộ xã và người quen làm chứng xác nhận có việc mua bán 3,7 công đất vườn giữa bà Năm và vợ chồng anh Tiên, chị Tới. Cán bộ xã đã gọi gia đình chị Tới lên “ép” là đã nhận đủ 8 chỉ vàng 24K để giao 3,7 công vườn cho bà Năm. Anh Tiên không đồng ý, ngày 26/7/1991 Trưởng Ban Công an xã kêu anh Tiên lên để dàn xếp nhưng không được nên đã bắt giam anh Tiên 3 ngày 2 đêm liền.
Không ép buộc được tại xã, ngày 6/8/1991, bà Huỳnh Thị Năm kiện đòi vợ chồng anh Tiên, chị Tới 8 chỉ vàng 24K. Mặc dù trong hồ sơ không có giấy mua bán đất và giấy giao nhận vàng giữa bà Năm và vợ chồng anh Tiên, nhưng các cấp Toà tỉnh Tiền Giang vẫn buộc gia đình anh Tiên phải hoàn trả cho bà Năm 8 chỉ vàng 24K.
Do anh Tiên không chấp nhận phán quyết của Toà án tỉnh, không thi hành án, nên tháng 8/1993 Đội Thi hành án huyện Gò Công Tây đã cưỡng chế thi hành án, tháo dỡ rồi để cho bà Năm đốt nhà của gia đình anh Tiên, đẩy gia đình anh Tiên lâm vào cảnh ở nhờ, ở đậu. Ngày 28/12/1993, UBND xã Tân Thới đã cấp giấy chứng nhận số 130 về quyền sử dụng 2.312m2 đất vườn này cho gia đình bà Năm.
Đến tháng 9/1994 Chánh án TANDTC có kháng nghị và ngày 20/4/1995 TANDTC xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Tiền Giang xử lại sơ thẩm theo hướng điều tra kỹ về diện tích đất, nguồn gốc đất đang tranh chấp và định giá đất vườn, nhà cửa cây cối của anh Tiên có tương xứng với 8 chỉ vàng lúc giao dịch hay không…
Thực hiện QĐ giám đốc thẩm, vẫn trên cơ sở, tài liệu hồ sơ cũ và căn cứ lời khai của gia đình bà Năm, án sơ thẩm của Toà án tỉnh Tiền Giang và án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM vẫn nhận định giữa bà Năm và gia đình anh Tiên, chị Tới có hợp đồng miệng trong việc mua bán vườn dừa, chị Tới đã nhận vàng nên gia đình bà Năm mới thu hoạch dừa (có người làm chứng thấy người nhà bà Năm giật dừa trong vườn nhà chị Tới).
Cả hai bản án này đều tuyên buộc vợ chồng anh Tiên trả cho bà Năm 8 chỉ vàng và giành quyền khởi kiện cho anh Tiên, chị Tới với Đội THA huyện Gò Công Tây về các khoản bồi thường (nếu có yêu cầu); Huỷ giấy chứng nhận QSDĐ số 130/GCN-ĐĐ của UBND xã Tân Thới cấp cho bà Năm.
Sau bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM năm 1997, chị Phan Thị Tới đã tìm đường ra Hà Nội. Suốt 6 tháng trời chị cầm đơn đi đến hết TANDTC và VKSNDTC để khiếu nại.
Ngày 19/3/1998 Viện trưởng VKSNDTC có kháng nghị đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TANDTC huỷ bản án phúc thẩm của TANDTC tại TP.HCM và bác yêu cầu khởi kiện của bà Năm đòi vợ chồng anh Tiên phải giao 3,7 công đất nói trên hoặc 8 chỉ vàng.
Thế nhưng, ngày 29/6/1998, Ủy ban Thẩm phán TANDTC xử giám đốc thẩm, vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật của bản án dân sự phúc thẩm số 79 ngày 3/5/1997 - buộc vợ chồng anh Tiên phải trả cho bà Năm 8 chỉ vàng 24K với lập luận lời khai của những người làm chứng phù hợp với lời khai của anh Tiên … nên không có cơ sở để chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC.
Công lý không thể nửa vời
Sau khi nhận bản án giám đốc thẩm lần 2, chị Tới lại tiếp tục hành trình khiếu nại. Gần 200 bộ hồ sơ khiếu nại được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng đáp lại chỉ là các lá phiếu chuyển đơn đến TANDTC.
Ngày 4/3/2008 (tức 10 năm sau), anh Tiên, chị Tới nhận được giấy triệu tập của Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang để thi hành bản án số 79 của TANDTC tại TP.HCM. Tiếp theo, ngày 5/3/2008 chị nhận được thông báo định giá chiếc ghe trọng tải 5 tấn biển kiểm soát TG 4805, chiếc ghe mà gia đình chị dùng trên 10 năm đã mục nát, chất đống…
Việc thi hành án không thành bởi gia đình chị không còn một thứ tài sản nào có giá trị nữa. Sự thật, sau khi căn nhà của gia đình chị bị Đội thi hành án tháo dỡ, người nhà bà Năm đã đốt cháy rụi ( 18/3/1993 ) nên gia đình chị tan tác, sống phiêu bạt mỗi người một nơi.
Bản án giám đốc thẩm số 15/UBTP-DS ngày 29/6/1998, tuyên giữ nguyên hiệu lực của bản án dân sự phúc thẩm số 79 ngày 3/5/1977 của TANDTC tại TP. HCM… hủy giấy chứng nhận QSDĐ số 130/GCN-ĐĐ ngày 28-12-1993 của UBND xã Tân Thới cấp cho bà Ngô thị Mỹ Nhân ( cháu được bà Năm ủy quyền ), nhưng mãi đến đến ngày 31/7/2013, chính quyền mới cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình chị Tới .
Sau khi gia đình chị Tới được cấp lại GCNQSDĐ, thì bà Ngô thị Mỹ Nhân lại có đơn yêu cầu được thi hành án. Ngày 6/1/2014, Chi Cục THADS huyện Tân Phú Đông có thông báo kê biên diện tích đất của 8 nhân khẩu trong gia đình chị Tới để thi hành án .
Như vậy, một vụ mua bán đất được tạo dựng từ hợp đồng miệng, sau 23 năm lại trở về vòng quay cũ, không có 8 chỉ vàng để trả thì tiếp tục kê biên QSDĐ. Trong 23 năm ròng rã ấy, nhiều người biết vụ kiện, đã góp ý với chị Tới là hãy trả phắt 8 chỉ vàng đi cho yên chuyện, để rồi còn yên ổn làm ăn.
Từ chỗ bà Năm được xã cấp quyền sử dụng cho hơn 2 công đất của chị, ra đến cấp Toà cuối cùng, quyềt định cấp đất này đã bị huỷ. Như thế là thắng lợi rồi… Song, chị vẫn cương quyết không chịu vì theo chị “Hơn 20 năm nay, gia đình đã tôi theo đuổi vụ kiện.
Với tôi, công lý không thể nửa vời. Có đến già, đến chết, tôi cũng phải đòi lại sự công bằng… vì giữa tôi và gia đình bà Năm không có việc mua bán đất cũng như giao nhận 8 chỉ vàng”.
Còn chúng tôi, những người làm báo đã theo dõi vụ việc của chị bấy lâu nay, một lần nữa lại tiếp tục phải lên tiếng.