Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nông Văn Bộ: "Trùng Khánh đặc biệt quan tâm tới việc phát triển du lịch bền vững"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đang phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nông Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh về lộ trình thực hiện mục tiêu quan trọng này.
Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nông Văn Bộ
Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nông Văn Bộ

PV: Được biết Trùng Khánh là nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, ông có thể cho biết trên địa bàn huyện hiện có bao nhiêu danh lam thắng cảnh có thể khai thác du lịch không?

Ông Nông Văn Bộ: Đúng là huyện Trùng Khánh có nhiều khu, điểm du lịch được bạn bè trong nước và quốc tế yêu thích, lựa chọn, đặc biệt là danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể và năm 2017 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch Thác Bản Giốc.

Ngoài ra, Trùng Khánh còn có nhiều điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: Danh thắng quốc gia Mắt Thần núi, Hồ Bản Viết, du lịch sinh thái trên sông Quây Sơn, Du lịch gắn với tâm linh, lễ hội...

Đây là cơ hội để huyện Trùng Khánh tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch đúng với tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia là Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao ở xã Đàm Thủy; Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966-1978), thị trấn Trùng Khánh và Mắt thần núi, xã Cao Chương.

Ngoài những danh thắng nổi tiếng, trên địa bàn huyện hiện nay có 4 dân tộc là Tày, Nùng, Mông, Kinh cùng sinh sống với rất nhiều lễ hội phong phú như Lễ hội Thác Bản Giốc, Lễ hội đền Hoàng Lục, xã Đình Phong, Lễ hội Co Sầu, thị trấn Trùng Khánh, Lễ hội Cầu mùa xã Cao Thăng, xã Trung Phúc, Lễ hội Lồng Tồng xã Cao Chương, xã Tri Phương, Lễ hội Háng Tán, thị trấn Trà Lĩnh, Lễ hội Thanh minh, xã Quang Trung, Lễ hội Miếu Long Vương, xã Đoài Dương.

Những lễ hội này thu hút lượng du khách thập phương đến tham quan du lịch, khám phá vùng đất, con người, văn hóa, đặc biệt là phong tục tập quán của người dân bản địa.

Huyện Trùng Khánh nổi tiếng với thác Bản Giốc

Huyện Trùng Khánh nổi tiếng với thác Bản Giốc

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá dân tộc

PV: Là nơi được thiên nhiên phú cho những cảnh đẹp hùng vĩ như vậy, định hướng phát triển du lịch của huyện Trùng Khánh như thế nào, thưa ông?

Ông Nông Văn Bộ: Định hướng của huyện Trùng Khánh là phát triển du lịch bền vững. Để phát triển du lịch bền vững, huyện đã chỉ đạo, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học.

Trùng Khánh đặc biệt chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, tập hợp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức hội thảo, gặp mặt, lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững.

Chúng tôi cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc hữu như: hạt dẻ, gạo nếp Ong, nếp Pì Pất, tương mẹc cảng, vịt cỏ, thạch trắng mác púp, bánh khảo Thông Huề… Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường…

Đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn

PV: Các ông có đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể cho nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững của Trùng Khánh không, thưa ông?

Ông Nông Văn Bộ: Huyện Trùng Khánh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thương mại dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi thu hút đầu tư du lịch đồng bộ; phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm giá trị văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường; đưa Trùng Khánh phát triển, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Về lượng khách du lịch, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượt khách quốc tế chiếm 20%; lượt khách nội địa chiếm 80% đến tham quan trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nâng cao tổ chức Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc thành quy mô cấp tỉnh. Phát huy tiềm năng văn hóa dân gian trong việc sáng tác; tăng cường hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch Trùng Khánh đến với du khách và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch; tham gia các chương trình quảng cáo tại các Hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư…

Du khách thích thú với những trải nghiệm ở Cao Bằng

Du khách thích thú với những trải nghiệm ở Cao Bằng

PV: Với những mục tiêu có thể nói là rất ấn tượng như vậy, các ông kỳ vọng gì vào sự đổi thay của du lịch địa phương trong thời gian tới?

Ông Nông Văn Bộ: Chúng tôi rất mong muốn đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao; tăng cường quản lý nhà nước và xã hội hoá tối đa về quản lý, khai thác và bảo tồn các tài sản du lịch.

Trùng Khánh cũng xác định phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hoá, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng việc đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế sẽ góp phần tích cực, hiệu quả vào xây dựng Trùng Khánh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh. Phát triển du lịch phải gắn chặt với phát triển kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và cửa khẩu Pò Peo.

Trùng Khánh có nhiều khu, điểm du lịch được bạn bè trong nước và quốc tế yêu thích

Trùng Khánh có nhiều khu, điểm du lịch được bạn bè trong nước và quốc tế yêu thích

PV: Các ông có gặp nhiều khó khăn khi triển khai phát triển du lịch bền vững ở vùng núi cao, còn nhiều bất lợi về giao thông như Cao Bằng không?

Ông Nông Văn Bộ: Tất nhiên là chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tài nguyên du lịch của Trùng Khánh phong phú và đa dạng nhưng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Các loại hình dịch vụ phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư.

Việc thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý khu, điểm du lịch, nhất là khu du lịch còn nhiều bất cập, chưa được thống nhất quản lý một cách có hiệu quả.

Thực tế, ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động phát triển du lịch còn ít. Chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày.

Nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế: Cán bộ, công chức phụ trách công tác du lịch từ huyện đến cơ sở đều kiêm nghiệm, chưa được đào tạo qua trường lớp nào về du lịch .

Chúng tôi cũng còn khó khăn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch cũng như chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư.

PV: Đã đặt mục tiêu lâu dài là phát triển du lịch bền vững, vậy các ông có giải pháp gì để gỡ dần những vướng mắc này?

Ông Nông Văn Bộ: UBND huyện Trùng Khánh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa XX) về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành các văn bản mới quy định về bảo đảm an ninh, an toàn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch hướng tới sự văn minh thân thiện và hiếu khách.

Chúng tôi cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch; Thực hiện các biện pháp quản lý di tích, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường, các quy định về giá, phí đối với các dịch vụ tại khu, điểm du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Một giải pháp khác là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; những nét văn hóa và lễ hội đặc sắc của huyện Trùng Khánh. Chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với những sản vật, sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; tăng cường đầu tư trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sủ văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, các cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện.

UBND huyện Trùng Khánh cũng đang có các kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Phối hợp với các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại khu, điểm du lịch, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhằm phát triển du lịch một cách bền vững.

Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. Khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách. Liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch về địa phương như tổ chức những ngày hội văn hóa, những giải thể thao, Lễ hội du lịch, xây dựng những sản phẩm mang tính thương hiệu của địa phương. Liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thể của địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc thêm