Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Người dân không nên mua hàng tích trữ quá nhiều gây lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tối nay (17/7), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ra Công văn số 2886/UBND-KGVX về việc quản lý hoạt động các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Bạc Liêu trong vòng 14 ngày kể từ 00 giờ ngày 19/7/2021. Trước mắt, để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn, đồng thời đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu và lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tinh thần chung là vẫn đảm bảo duy trì các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là lương thực, thực phẩm và thuốc điều trị bệnh.

Đồng thời, cho phép tiếp tục duy trì hoạt động của các chợ truyền thống (để bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, riêng các chợ tự phát phải dừng hoạt động), các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép, song phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu phòng chống dịch, nhất là 5K (nếu không đảm bảo thì phải dừng hoạt động).

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền thông tin này đến mọi người dân nắm, an tâm, không nên hoang mang, lo lắng, tránh trường hợp tranh giành mua hàng tích trữ quá nhiều gây lãng phí không cần thiết, cũng như tạo “sốt ảo” các mặt hàng nhu yếu phẩm, đồng thời việc chen lấn khi mua hàng hóa cũng chính là tăng thêm nguy cơ lan truyền dịch bệnh.

Sau khi nghe tin tỉnh Bạc Liêu thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân lo lắng đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Sau khi nghe tin tỉnh Bạc Liêu thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân lo lắng đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều giao các Sở, Ngành, UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các hành vi trục lợi trái pháp luật, nhất là các hành vi găm hàng, nâng giá, bán hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn; yêu cầu người dân thực hiện đúng 5K khi đi mua hàng. Trường hợp không đảm bảo an toàn thì phải buộc dừng hoàn động ngay để chấn chỉnh xong thì mới cho hoạt động trở lại;

Cùng với đó, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển hàng nông sản (kể cả phương tiện xe 02 bánh) được tiếp cận thuận tiện đến các chợ, siêu thị, cửa hàng để cung cấp hàng hóa, song phải lưu ý thực hiện tốt nguyên tắc 5K.

Song đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp, cơ quan có liên quan và các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu bảo đảm an toàn, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa (nghiên cứu áp dụng các kênh phân phối lưu động, giao hàng tận nơi…) đáp ứng nhu cầu của nhân dân…

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thông tin đầy đủ, kịp thời về năng lực cung ứng hàng hóa, địa điểm bán hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp để ổn định tâm lý của người dân; công bố công khai, kịp thời các điểm trung chuyển hàng hóa cho người dân, doanh nghiệp và các tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu để biết, thực hiện việc mua bán hàng hóa theo đúng quy định./.

Đọc thêm