Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu: Hậu Giang phải đẹp, phải giàu!

(PLVN) - Đó là chia sẻ của người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang với PV Báo Pháp luật Việt Nam nhân dịp Xuân Canh Tý. Với định hướng khơi thông và thúc đẩy tiềm năng sẵn có của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang đã có những động thái “mạnh” và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành góp phần nâng vị thế địa phương, thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Tỉnh Hậu Giang đang từng bước phát triển và khẳng định vị thế

Những động thái quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các mặt công tác của địa phương đã giúp cho “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang năm 2019 có những chuyển biến và kết quả như thế nào, thưa ông?

- Trong năm 2019, Nghị quyết HĐND tỉnh Hậu Giang đã đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó có 18 chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch như: GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất nhập khẩu, xã nông thôn mới, dân số trung bình, y tế…còn chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì gần đạt.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,5%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 10,19%, lĩnh vực dịch vụ tăng 6,51%, nông lâm ngư nghiệp tăng 2,77%. Quy mô kinh tế toàn tỉnh trên 33.000 tỷ đồng. Trong năm 2019, có 25 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn trên 3.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so cùng kỳ, tạo việc làm cho trên 4.570 lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6 triệu đồng so với cùng kỳ và đạt 106,38% kế hoạch.

Về phong trào xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2019, Hậu Giang có 29/53 xã được công nhận đạt chuẩn, đạt 54,72%; số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã, đạt và vượt kế hoạch. Đến nay đã có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hậu Giang dẫn đầu khu vực ĐBSCL và là một trong 19 bộ ban ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được vinh danh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Theo định hướng, Hậu Giang sẽ hướng đến những mũi nhọn trọng tâm nào để góp phần thúc đẩy phát triển địa phương, thưa ông?

- Tỉnh Hậu Giang sẽ chú trọng đẩy mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đồng thời, tạo sự liên kết giữa 2 ngành để phát triển du lịch nông nghiệp - một tiềm năng rất lợi thế của địa phương.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp cũng phải ứng dụng công nghệ, tiếp cận những kỹ thuật canh tác tiên tiến hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến phụ trợ cho ngành nông nghiệp. Bước đầu, tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” và hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, thí điểm thành công và đang nhân rộng ra toàn tỉnh mô hình này.

 Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu (phải) lắng nghe khó khăn và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Song song đó, Hậu Giang xác định phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Hiện, tỉnh đang xây dựng đề án đưa Lung Ngọc Hoàng trở thành khu du lịch quốc gia và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đồng thời, xúc tiến xây dựng đề án khai thác loại hình du lịch đường sông trên kênh xáng Xà No.

Tỉnh sẽ nỗ lực xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm để góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu về vùng đất và con người Hậu Giang.

Doanh nghiệp có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, trước những nhiệm vụ quan trọng và có tính chiến lược này, tỉnh Hậu Giang có những nỗ lực như thế nào để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp?

- Bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang còn có những cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo thêm thuận lợi cho các nhà đầu tư như hỗ trợ về mặt bằng thực hiện dự án; khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho người lao động; phí đăng ký thành lập doanh nghiệp…

Hàng quý, UBND tỉnh tổ chức diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp và định kỳ hàng tháng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng tổ chức các buổi cà phê doanh nhân. Qua đó, nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn và có biện pháp tháo gỡ hỗ trợ doanh nghiệp.

Công tác cải cách hành chính cho doanh nghiệp được Hậu Giang thực hiện thế nào, thưa ông?

- Trong năm 2019, Hậu Giang đã có nhiều cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn: doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện; cho phép đăng ký địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính… Điều này góp phần giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức của doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đầu tư.

Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư; xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó từng cán bộ, công chức phải có thái độ phục vụ, luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm và theo đúng quy định và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiều, phiền hà.

Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo tiếp tục đơn giản hóa mọi thủ tục có thể, rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ hành chính mức độ 4 trong quy trình đăng ký kinh doanh, đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Đơn vị nào để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phản ánh về thái độ phục vụ, hỗ trợ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và xếp hạng thi đua khen thưởng của đơn vị đó", ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Đọc thêm