Lồng bè dày đặc, báo động tình trạng ô nhiễm nước vịnh
Việc NTTS trên các lồng, bè khu vực quần đảo Cát Bà hiện nay đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển. Trong Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (1-8/6), Ngày môi trường thế giới (5/6), tình trạng ô nhiễm môi trường biển do NTTS tiếp tục đặt ra yêu cầu phải quy hoạch lại mạng lưới NTTS, đặc biệt là mật độ các lồng, bè khu vực quanh đảo Cát Bà để bảo vệ môi trường biển khỏi các tác động tiêu cực.
Theo ông Đặng Đình Hỏa, Giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, trên các vịnh Cát Bà hiện còn 486 bè nuôi, với hơn 8.600 ô lồng và 463 giàn bè. Vịnh Bến Bèo là khu vực còn số lượng bè NTTS nhiều nhất với hơn 300 bè, tương đương hơn 5.680 ô lồng. Số lượng còn lại phân bổ tại vịnh Lan Hạ, cảng Cát Bà, vịnh Gia Luận, vịnh Trà Báu. Trong đó, 143 chủ bè là người Cát Hải, 267 chủ bè là người địa phương khác thuộc Hải Phòng và 76 chủ bè ở tỉnh khác. Mức độ bè nuôi như hiện nay là quá dày và nguy cơ chất thải từ nuôi trồng gây ô nhiễm nguồn nước vịnh.
Theo kết quả quan trắc, giám sát chất lượng nước biển trên địa bàn huyện Cát Hải được Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) và Trung tâm quan trắc môi trường TP Hải Phòng thực hiện với tổng số 13 điểm quan trắc từ năm 2005 đến nay thì môi trường vùng biển ven bờ đang trong tình trạng ô nhiễm, nhiều khu vực có nguy cơ ô nhiễm đáng báo động. Tại Vịnh Lan Hạ, nồng độ oxy hòa tan trong nước ở một số điểm giảm thấp dưới ngưỡng giới hạn cho phép. Trong khi đó, nồng độ dinh dưỡng, dầu mỡ lại cao hơn giới hạn cho phép và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Chỉ số đa dạng loài thực vật phù du thấp phản ánh môi trường nước bị ô nhiễm. Loài tảo độc hại có khả năng sinh độc tố ASP xuất hiện mật độ cao.
Tại khu vực NTTS bằng lồng bè, môi trường nước đang bị ô nhiễm thể hiện qua nồng độ chất ô nhiễm có xu hướng ngày càng tăng tại những “điểm nóng” ở vịnh Bến Bèo như Hang Vẹm, Vụng O, ở vịnh Lan Hạ như Tai Kéo, Cạp Gù. Những khu vực trên đã liên tiếp xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ và dịch bệnh hải sản gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Ông P.V.N, chủ bè nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên vịnh Lan Hạ thừa nhận, mặc dù nhiều hộ đã dùng biện pháp khử trùng định kỳ bằng hóa chất nhưng việc “lấy cá nuôi cá” (xay cá nhỏ làm thức ăn cho cá lớn) là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước bởi phần thức ăn thừa lắng đọng, tích tụ dưới đáy biển. Hơn nữa, chất thải sinh hoạt không được xử lý, xả trực tiếp xuống vịnh cũng làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước.
Hiện, còn 486 bè nuôi trồng thủy sản tại các vịnh của huyện Cát Hải. |
Chuẩn hóa mô hình nhà bè để cứu biển khỏi ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước từ việc NTTS đã rõ ràng và việc cắt giảm và sắp xếp hợp lý các lồng bè vừa đảm bảo cảnh quan, môi trường vùng vịnh, vừa tạo điều kiện cho việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch và đảm bảo nguồn cung cấp thủy sản phục vụ du lịch. Theo bà Phạm Thị Thu Khanh, Phó phòng TNMT huyện Cát Hải việc cắt giảm số lồng, bè cũng là một trong những phương thức tạo đà phát triển nghề NTTS một cách bền vững mà vẫn đảm bảo nét đẹp văn hóa nghề truyền thống trên các vịnh.
Trước tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường do việc NTTS tự phát, không theo quy hoạch, UBND huyện Cát Hải đã xây dựng kế hoạch điều tiết số lượng bè NTTS. Đến năm 2020, số lượng ô lồng NTTS tại các vụng, vịnh còn 152 bè/2431 ô lồng, 80 giàn bè nuôi nhuyễn thể, 18 bè dịch vụ. Trước mắt, năm 2016 đơn vị sẽ thực hiện cắt giảm 30 lồng bè, năm 2017 cắt giảm 120 bè, năm 2018 cắt giảm 120 bè, năm 2019 cắt giảm 64 bè.
Về giàn bè nuôi nhuyễn thể, năm 2017, UBND huyện Cát Hải giữ nguyên số lượng đồng thời yêu cầu các hộ phải thay thế toàn bộ giàn tre, phao xốp bằng phao phi, khung gỗ đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường và sắp xếp đúng vị trí quy hoạch.
Theo ý kiến của cơ quan quản lý thì việc NTTS sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để bảo vệ môi trường. Các đối tượng thuộc diện được quy hoạch phát triển NTTS phải có cơ sở hạ tầng tốt, đủ tiềm lực kinh tế đầu tư theo quy hoạch, có giấy chứng nhận NTTS được UBND huyện Cát Hải cấp hoặc giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản của địa phương trước năm 2010, chủ bè chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường…
Với chính sách quản lý mới sắp được áp dụng, các nhà bè cũng không khỏi lo lắng về công ăn việc làm và tài sản mà họ đã đầu tư. Ông Đ.V.T, chủ bè có 40 ô lồng tại vịnh Bến Bèo bày tỏ băn khoăn: “Để có được “cơ ngơi” các lồng bè như hiện tại, các chủ bè phải lao tâm khổ tứ, tìm đủ mọi cách để đầu tư từ vay vốn ngân hàng, chi trả tiền giống, tiền thức ăn, tiền vệ sinh môi trường trong khi tỷ lệ rủi ro khá cao. Nếu cắt giảm, thiệt hại trước tiên thuộc về kinh tế của bà con bám biển, tiếp đến là làm sao để chúng tôi kế sinh nhai sau này cũng là cả một vấn đề “nhức óc”.
Trước những ý kiến từ phía người dân, ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết “cải thiện môi trường vịnh” là một trong ba định hướng hành động năm 2016 tại huyện Cát Hải, trong đó hoạt động quy hoạch, sắp xếp các bè NTTS là nhiệm vụ trọng tâm. Khi thực hiện kế hoạch này, UBND huyện sẽ đối thoại và giải quyết quyền lợi của người NTTS để đảm bảo người dân không bị thiệt khi cắt giảm số lồng, bè. Theo đó, các lồng bè phải cắt giảm sẽ được đền bù, hỗ trợ vật, kiến trúc theo quy định pháp luật.
Quy hoạch mạng lưới NTTS trong các vịnh tại đảo Cát Bà, trong đó thực hiện mô hình mẫu nhà bè để xây dựng khu NTTS thành điểm đến tham quan du lịch của du khách là việc làm cần thiết, không chỉ phát triển ngành, nghề một cách bền vững mà còn bảo vệ biển trước những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế. Đây là việc làm cần thực hiện ngay và thực hiện thường xuyên để các ngày trong năm ở Cát Bà đều là ngày của Biển và Đại dương.