Cục đề nghị địa phương có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Bộ cũng kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn, bởi để giải quyết được tình trạng này thì không chỉ từ một phía ngành văn hóa.
Ở góc độ tôn giáo, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định, giáo lý Phật giáo chỉ có lễ cầu an chứ không có dâng sao giải hạn. Giáo hội không khuyến khích tổ chức dâng sao, giải hạn trong các cơ sở thờ tự.
Còn Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam còn gọi việc cúng sao giải hạn, bói toán là “hành nghề phi pháp” bởi kinh Phật không có thần sao chiếu mệnh, không có vận hạn tốt, xấu.
Ở góc độ xã hội, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển nhìn nhận, đây là hiện tượng “buôn thần, bán thánh” và là chỉ dấu cho thấy xã hội đang mất thăng bằng, nhiều hệ giá trị bị đảo lộn, làm con người mất phương hướng, phải tìm đến đặt niềm tin vào những chuyện hoang đường.
Hòa thượng Thích Gia Quang cũng đề cập đến khía cạnh này khi nhận định sự bùng phát hiện tượng dâng sao giải hạn xảy ra một phần bởi tâm lý bất an của người dân trong xã hội hiện đại và đề nghị Nhà nước cần thay đổi các chính sách và quy định pháp luật để chấn chỉnh vấn nạn này.
Ngày 20/2, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản số 033/CV-HĐTS gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, TP về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho Phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu Xuân mới nêu rõ: “Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên”.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Tăng Ni, nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an.