Tham dự tọa đàm có bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các Viện trường, Hiệp hội Du lịch lãnh đạo ngành Du lịch các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Bạc Liêu là vùng đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Nơi đây có thế mạnh về phát triển du lịch với những địa điểm nổi tiếng như: Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới), khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu nhà Công tử Bạc Liêu, vườn chim Bạc Liêu... Mỗi điểm đều có một giá trị văn hóa - lịch sử riêng, đã tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng của vùng đất, con người nơi cận cực Nam tổ quốc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Bạc Liêu có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch và xem đây là lĩnh vực quan trọng trong cơ cầu kinh tế của tỉnh.
Các điểm du lịch được đầu tư cơ bản, hoạt động xúc tiến du lịch liên tục được triển khai. Đến nay, Bạc Liêu đã đóng góp đến 9 điểm du lịch tiêu biểu trong số hơn 20 điểm của ĐBSCL.
|
Bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tuy nhiên, cũng theo bà Sang, du lịch Bạc Liêu phát triển nhưng chưa bền vững, chưa có những sản phẩm đặc thù, tính cạnh tranh cao. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhận lực thiếu về số lượng, hạn chế chất lượng, vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch chưa phát huy.
Mục tiêu của du lịch Bạc Liêu là đến năm 2025, tỉnh sẽ đón 7 triệu lượt khách/năm và đến năm 2030 sẽ đón 12 triệu lượt khách. Để thực hiện mục tiêu trên, Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về du lịch; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lí nhà nước về du lịch; phát huy vai trò mối liên kết của Nhà nước, của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh và đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch.
Du lịch Bạc Liêu cũng cơ cấu lại ngành du lịch, phát trển bền vững theo chiều rộng lẫn chiều sâu; kết nối với các địa phương doanh nghiệp trong cả nước cùng hợp tác khai thác tiềm năng phát triển du lịch xanh và bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh nỗ lực của địa phương thì tỉnh rất cần sự ủng hộ của Bộ, ngành TW và các doanh nghiệp trên cả nước để khai thác và phát huy tiềm năng vốn có. Bạc Liêu cam kết sẽ cùng đồng hành phát triển lâu dài với các tỉnh và doanh nghiệp để cùng nhau hợp tác, tạo ra những bước phát triển mới cho ngành du lịch.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết tỉnh ủy Bạc Liêu đã ra nhiều nghị quyết để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. Điển hình như Nghị quyết 02, nghị quyết 11. Các cấp chính quyền phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch biến thành sản phẩm du lịch.
Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tham luận nêu bật nhiều vấn đề quan trọng để đưa ngành du lịch Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố cùng phát triển. Trong đó, trọng tâm là sớm tạo thành một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi liên kết phát triển cho toàn vùng và sự kết nối du lịch giữa ĐBSCL với các vùng miền khác, nhất là TP HCM.
|
Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Du lịch giữa 2 đơn vị. |
Kết thúc buổi tọa đàm, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Hiệp hội Du lịch TP HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giữa 2 đơn vị.