Chúng tôi đều không thích có con!
Chuyện của một người phụ nữ tên Linh: “Tôi không muốn sinh con dù có thừa khả năng kinh tế. Chồng tôi cũng không thích sinh con. Chúng tôi hợp nhau. Đây là ý kiến cá nhân của riêng tôi nên không có đúng hay sai. Tôi viết ra đây để mọi người cùng suy ngẫm, bình luận về vấn đề chứ không phải để “ném đá” lẫn nhau. Nếu ai có quan điểm khác tôi thì xin bỏ qua, đừng nói lời cay độc, cùng là con người xin hãy yêu thương nhau. Lời nói để đi đến trái tim chứ không phải để tát vào mặt nhau.
Theo tôi nghĩ, người phụ nữ có hiểu biết là người phải nhìn xa trông rộng, lường trước được hậu quả của việc làm hiện tại, vì thế họ sẽ không sinh con trong nghèo khó. Nếu kết hôn chỉ để sinh con thì thực chất hôn nhân đó không vì tình yêu mà chỉ vì nghĩa vụ.
Tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà quyết định sinh con ngay sau kết hôn hay chờ vài năm cho ổn định kinh tế. Tôi chẳng hiểu nổi thời đại nào rồi mà còn kiểu có thai ngoài ý muốn nên phải cưới liền tay, cưới trong hoàn cảnh thiếu thốn? Chúng ta có thể ngừa thai, tại sao phải để lại hậu quả nghiêm trọng chỉ vì vài phút thăng hoa?
Những cặp vợ chồng chưa ổn định kinh tế mà vẫn sinh con vì thích, mặc cho đứa con chào đời trong thiếu thốn vật chất thật là đáng trách. Họ đổ thừa do tuổi tác lớn phải sinh ngay, vậy họ hãy nhìn những ngôi sao quốc tế đi, người ta sinh con năm bao nhiêu tuổi? Con người ta có phát triển bình thường không?
Tôi sinh ra trong gia đình rất nghèo khổ, cơm còn không đủ ăn nhưng thông cảm cho mẹ vì xã hội lúc đó còn lạc hậu, không có cách ngừa thai rộng rãi như bây giờ. Mẹ đã rất khó khăn để nuôi tôi và em trai. Tôi hiểu mẹ cũng không vui vẻ gì với gánh nặng như thế.
Còn tôi, tôi không muốn sinh con dù có thừa khả năng kinh tế. Tôi muốn báo hiếu cho mẹ mình được trọn vẹn, cũng muốn được tự do nữa. Chồng tôi cũng không thích sinh con, chúng tôi hợp nhau. Tôi đủ kinh tế và kỹ năng để trở thành người mẹ tốt nhưng không thích làm mẹ.
Nếu ai đó nói tôi ích kỷ, xin hãy nêu ra cái ích kỷ trong quyết định không sinh con của tôi. Theo như tôi nghĩ thì những người sinh con chỉ vì thích trẻ con và muốn có người chăm sóc mình lúc về già mà không màng đến tương lai của đứa trẻ mới gọi là ích kỷ.
Khi tôi được tự do về tài chính, muốn được đi du lịch nhiều nơi cùng chồng và mẹ, muốn làm những điều mà ngay lúc này tôi không có khả năng để làm vì công việc. Tôi không muốn mình trở thành gánh nặng của bất cứ ai, cũng không cho phép mình sống lệ thuộc người khác. Dù tôi có già cũng phải làm chủ chính mình.
Tôi và chồng rất hạnh phúc với hiện tại. Cưới nhau 6 năm và đã có 8 năm yêu nhau, giờ hai đứa vẫn yêu nhau như lúc đầu. Chúng tôi có kế hoạch khi nào chồng 80, tôi cũng 67 tuổi, cả hai sẽ để lại toàn bộ tài sản cho quỹ từ thiện (vì những người thân thiết chắc chắn đã được tôi giúp đỡ khi chúng tôi còn sống). Sau đó chúng tôi sẽ xin được trợ tử.
Tôi và chồng sẽ cùng nhau ra đi, nghĩ mình đã sống trọn vẹn và làm những điều tốt đẹp thì đến tuổi đó chết không có gì hối tiếc. Đó là điều tốt đẹp và may mắn đối với chúng tôi nhưng có thể đó là điều tồi tệ với các con của tôi. Tôi không muốn người khác đau buồn vì sự lựa chọn này của mình. Đó cũng là một trong ngàn lý do không muốn sinh con của tôi…”.
Vợ chồng tự quyết định về thời gian sinh con, số con
Câu chuyện này có thể là khó nghe, khó chấp nhận với những người thích có con. Nhân vật trong chuyện sẽ bị lên án là ích kỷ. Nhưng, như đã nói ở trên, việc sinh con hay không sinh con, sinh nhiều hay sinh ít là việc của mỗi nhà và điều đó cần được tôn trọng và pháp luật tiến tới cũng sẽ tôn trọng sự quyết định về con cái của mỗi cặp vợ chồng.
Mới đây, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, tại Dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Theo đó, Dự thảo Luật Dân số đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân nên có hai con.
Đánh giá việc quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, nên Dự thảo Luật Dân số thiết kế trình Quốc hội thêm phương án thứ hai. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt.
Cụ thể, tại phương án 1, Bộ Y tế đề xuất mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và cùng Nhà nước thực hiện duy trì mức sinh thay thế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có trách nhiệm thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình.
Tại phương án 2, bên cạnh những quy định tương tự phương án 1 về quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh thì mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có thể sinh một hoặc hai con, trừ 7 trường hợp bao gồm: Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận; Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).
Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ); quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống; Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Dự thảo Luật Dân số vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến xây dựng, cũng cần biết rằng trong những lần hội thảo xung quanh chủ đề chính sách, pháp luật về dân số, đã có nhiều ý kiến cho rằng dù mức sinh thấp nhưng Nhà nước cũng không thể bắt buộc cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con.
Bởi sinh con là quyền cá nhân của mỗi cặp vợ chồng, không ai được phép bắt buộc. Hơn nữa, vợ chồng quyết định sinh con hay không còn phụ thuộc điều kiện kinh tế, sức khỏe, tín ngưỡng… Chỉ nên khuyến khích cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những địa phương có mức sinh thấp.