Ở Italia thời Phục hưng, xã hội hỗn loạn và đạo đức suy đồi bởi trào lưu tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc khắt khe truyền thống lâu nay về văn hoá, đạo đức và tôn giáo. Con người như thể bước ra ánh sáng từ bóng tối và tìm mọi cách để tự thoả mãn tham vọng cũng như ham muốn riêng.
Cho nên đối thủ chính trị bị sát hại, Giáo hoàng biến Toà thánh Vatican thành chốn ăn chơi và tuỳ ý đầu độc những địch thủ, bất chấp cả luân thường đạo lý, vợ chồng thẳng tay loại bỏ lẫn nhau...
Bối cảnh chính trị xã hội như thế thật không còn có thể thuận lợi được hơn nữa cho một người phụ nữ được lịch sử sau này xếp hạng là nữ sát thủ giấu mặt bí hiểm nhất. Người này không trực tiếp ra tay giết hại bất cứ ai nhưng lại đóng vai trò rất quyết định trong việc kết liễu cuộc đời của ít nhất hơn 600 người trong thời gian 18 năm từ 1633 đến 1651. Nạn nhân là những người chồng, còn sát thủ trực tiếp là những người vợ của họ.
Người phụ nữ này tên là Giulia Tofana, trên thực tế là một thương nhân, chủ sở hữu của nhiều cửa hiệu bán mỹ phẩm tại nhiều thành phố của nước Ý. Sự nghiệp hoạt động kinh doanh của Giulia Tofana không phải không thành đạt nhưng cái giúp người phụ nữ này đi vào lịch sử lại là một sản phẩm độc chế.
Không biết học hỏi từ đâu, tự học hay được truyền thụ từ người mẹ vốn cũng bị coi là một người dùng thuốc độc để giết người và bị hành quyết năm 1633, Giulia Tofana pha chế ra được một độc dược không mùi vị và mầu sắc, chỉ cần 4 giọt đã đủ để đưa một người về “thế giới bên kia”.
Cái đặc biệt và độc đáo ở tuyệt phẩm này của Giulia Tofana là cách đầu độc, cụ thể là cứ mỗi lần 1 giọt và người uống nó không hề cảm nhận gì, tức là chết dần mà không ý thức được là đang bị đầu độc mà chết. Độc phẩm này của Giulia Tofana được ngụy trang rất khéo và tinh vi trong những chiếc chai nhỏ như thể mỹ phẩm dành cho các quý bà và nó suốt bao năm dài không bị ai phát hiện ra.
Khách hàng của Giulia Tofana là những người vợ chán chồng hoặc hận chồng, muốn tự giải thoát khỏi tình cảnh bị áp chế hoặc để tìm kiếm tình ái mới. Trong suốt khoảng thời gian dài ấy, có nhiều người chồng bị giết nhưng không ai điều tra ra được nguyên nhân và Giulia Tofana không bị tố giác vì khi vụ giết chồng thành công thì người vợ kia phải biết ơn chứ không có lý do gì để đi tố cáo Giulia Tofana.
Cho đến khi xảy ra một trường hợp duy nhất vào năm 1651. Vụ việc này kết thúc sự nghiệp sát thủ của Giulia Tofana và phơi bày tất cả ra ánh sáng. Một khách hàng của Giulia Tofana mua độc phẩm và tiến hành quy trình đầu độc chồng nhưng lại bị chuyển ý vào phút chót bởi cắn rứt lương tâm. Người chồng nghi ngờ và truy xét. Người vợ buộc phải khai ra hết. Chính quyền vì thế mới lần được ra Giulia Tofana.
Người phụ nữ này đầu tiên phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng về sau do không chịu nổi cực hình nên đã phải thú nhận. Bà ta chạy trốn vào một tu viện để tránh sự truy sát của chính quyền. Nhưng khi có tin đồn loan ra rằng Giulia Tofana đầu độc cả nguồn nước trong thành phố thì dân chúng phẫn nộ tột độ đã tấn công thẳng vào tu viện lôi nữ sát thủ này ra thiêu sống. Từ đó về sau, ở nước Ý cũng như trên thế giới không xuất hiện người phụ nữ nào có thể phá vỡ được “kỷ lục” của Giulia Tofana.