Ly hôn đang trở thành bài toán khó đối với người nghèo Philipin
Ly hôn đang trở thành bài toán khó đối với người nghèo Philipin

Philippines: Vợ chồng dù “ngán nhau đến tận cổ” nhưng muốn ly hôn cũng khó

(PLVN) - Theo luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, khi một cặp vợ chồng chung sống không hạnh phúc thì họ có quyền ly hôn và phân chia tài sản, con cái. Thế nhưng, Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới (ngoại trừ Vatican) không có luật ly hôn. Chính vì vậy, rất nhiều cặp vợ chồng dù có chán nhau đến mấy cũng không được phép ly hôn. 

Hôn nhân là bất khả xâm phạm

Chuyện ly hôn từng là hợp pháp tại Philippines trong thời thuộc Mỹ và thời Nhật chiếm đóng, tuy nhiên sau đó bị cấm khi chính quyền Manila ban hành Luật Dân sự năm 1949. Hiến pháp Philippines (Điều 15, triệt 2) quy định rằng: “Hôn nhân là một thể chế xã hội bất khả xâm phạm, là nền tảng của gia đình và phải được Nhà nước bảo vệ”.

Thêm vào đó, hiện nay 80% số dân Philippines đều theo đạo Công giáo. Có thể khẳng định tôn giáo đóng vai trò lớn trong cuộc chiến về quyền được ly hôn ở Philippines. Bởi Công giáo của Philippines cấm kỵ các cặp vợ chồng không được phép ly hôn, vì thế trong luật pháp tại quốc đảo này cũng tồn tại điều luật trên.

Các đám cưới tại Philippines thường được tổ chức tại nhà thờ
 Các đám cưới tại Philippines thường được tổ chức tại nhà thờ

Ly hôn là chuyện khó khăn nhất đối với người dân ở quốc gia này. Được biết, hầu hết các giáo dân đều muốn kết hôn trong nhà thờ và trước đó, họ phải đăng ký kết hôn từ chính quyền địa phương. Muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc một cách hợp pháp và có thể kết hôn trong nhà thờ lần nữa, họ phải được nhà thờ đồng ý và chính quyền chấp nhận.

Thêm nữa, quá trình này không chỉ mất nhiều năm mà còn rất tốn kém. Thời gian để tiến hành ly hôn có khi lên tới 5-10 năm. Và khi đưa ra tòa việc giải quyết các thủ tục hôn ước nhằm phân chia tài sản, số tiền mà mỗi người phải bỏ ra cũng khoảng 25.000 peso (khoảng 150 triệu đồng).

Cuộc chiến muôn vàn khó khăn

Vì không được ly hôn, nhiều phụ nữ Philippines không thể tự giải thoát khỏi những người chồng của mình. Một người phụ nữ tên Raquel chia sẻ: “Trong quá trình mang thai, tôi phát hiện chồng mình có quan hệ với người phụ nữ khác. Tôi đã nộp đơn ra tòa để giải quyết các thủ tục hôn ước và muốn chia nhà. Tuy nhiên tôi đã phải đợi đến 6 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Mỗi năm chi phí cho luật sư cũng đã lên tới hơn 10.000 Peso. Với một người lao động thì điều đó tạo ra áp lực rất lớn, nhiều người nghèo đã không có đủ tiền để thực hiện mong muốn ly hôn của mình”.

Hay như trường hợp của nhà báo Mar-Vic Cagurangan làm việc tại Philippines. Cô chia sẻ mình phải làm việc quần quật để gom đủ số tiền 2.000 USD cho thủ tục trên trong khi vẫn phải trả tiền học phí cho 2 người con.

Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người ở Philippines chỉ hơn 3.500 USD/người/năm. Chưa hết, cô Cagurangan phải mất khoảng 10 năm mới hủy bỏ được hôn nhân. Thậm chí, nhân viên tòa án còn đòi hối lộ để đẩy nhanh quá trình này.

Tuy nhiên, đất nước này đã có một bước tiến lớn trong vấn đề ly hôn. Đó là vào tháng 3/2018, Hạ viện Philippines thông qua dự luật bắt đầu xem xét lại việc hợp pháp hóa ly hôn. Tuy nhiên hiện dự luật sẽ tiếp tục phải được Thượng viện thông qua mới có thể chính thức có hiệu lực.

Trong khi Hạ viện cho rằng, các căn cứ để xét ly hôn là khi trong hoàn cảnh phải chịu đựng bạo lực gia đình, cặp vợ chồng có vấn đề không thể hòa giải, âm mưu ép vợ/chồng hoạt động mại dâm. Đặc biệt, dự luật sẽ giúp quá trình ly hôn diễn ra nhanh hơn và ít tốn kém hơn so với mức hiện nay.

Còn phía Thượng nghị viện đề xuất 6 tháng mới bắt đầu tiến hành giải quyết sau khi vợ chồng nộp đơn yêu cầu ly hôn. Thời gian này được coi là nỗ lực cuối cùng cho việc hòa giải giữa hai vợ chồng. Thượng nghị viện cũng đề xuất những lý do cho phép ly hôn: bạo lực, lạm dụng thô bạo, ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, đồng tính luyến ái và ngoại tình...

Mặc dù chưa chính thức nhưng dự luật này được xem là bước tiến lớn và rất có ý nghĩa, đặc biệt là với nhiều cặp vợ chồng nghèo đang bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân tồi tệ.

Các cuộc thăm dò ý kiến ở Philippines cho thấy hiện có 53% người dân ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn và đang có xu hướng tăng lên. Cô Melody Alan, một phụ nữ từng trải qua cuộc hôn nhân tồi tệ, là một trong những người đi đầu trong việc thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết của luật ly hôn.

Cô kết hôn với mối tình đầu của mình vào năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc hôn nhân nhanh chóng gặp trắc trở khi cô biết rằng chồng mình nghiện rượu và ma túy. Cô được tách khỏi người chồng bạo lực từ năm 2009, nhưng không thể thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ này, bởi luật pháp Philippines không cho ly hôn.

“Chúng tôi, những người Philippines, phải thừa nhận rằng có nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, đang bị mắc kẹt trong những mối quan hệ bạo lực, lạm dụng và độc hại. Đến nay, những nỗ lực giải quyết vấn đề này đều thất bại”, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, Chủ tịch Đảng Akbayan chia sẻ.

Trong khi đó, phe phản đối dự luật chủ yếu là phía Giáo hội. Họ luôn ủng hộ hôn nhân truyền thống và cho rằng cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ là cam kết trọn đời. “Gia đình là một thực thể xã hội bất khả xâm phạm. Nghĩa vụ bắt buộc của Giáo hội là bảo vệ hôn nhân bằng mọi giá”, linh mục Jerome Secillano (Thư ký điều hành Văn phòng Các vấn đề công cộng của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines) cho hay.

Theo linh mục Jerome Secillano, Giáo hội kêu gọi các nhà lập pháp không làm sai sự thật về ly hôn. “Ly hôn không bao giờ có lợi cho hôn nhân, gia đình và con cái. Đừng bóp méo sự thật chỉ để thỏa mãn một chương trình nghị sự cụ thể. Hợp pháp hóa ly hôn ở Philippines sẽ chỉ hủy hoại nhiều gia đình”, linh mục nói.

“Ly hôn sẽ làm đánh mất ý nghĩa thực sự của hôn nhân. Tôi tin vào những biện pháp giúp gia đình trở nên gắn bó thay vì làm suy yếu mối quan hệ này”, Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian, một trong những người phản đối dự luật ly hôn bày tỏ.

Ông Sherwin Gatchalian cũng nói thêm rằng, mối liên hệ chặt chẽ giữa Philippines và văn hóa Mỹ tạo ra những quan niệm xã hội sai lầm về ý nghĩa việc ly hôn, khiến hai người kết hôn và rời bỏ nhau quá dễ dàng.

Điều đáng nói hơn nữa là cả Tổng thống Rodrigo Duterte cũng phản đối dự luật trên. Ông Duterte - người đã ly thân vợ - lập luận rằng, hợp pháp hóa ly hôn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của những đứa trẻ khi cha mẹ chúng “mỗi người một ngả”. 

Dẫu biết rằng sẽ còn rất lâu nữa để có thể chính thức ra đời một đạo luật về việc này. Nhưng chắc rằng những cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng, đòi quyền ly hôn sẽ vẫn tiếp diễn ra và biết đâu trong tương lai những thay đổi trong dự luật về ly hôn sẽ thành hiện thực, tạo nên sự kiện mang tính bước ngoặt cho phụ nữ ở quốc gia này.